TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Địa giới hành chính tỉnh Hà Giang thời Pháp thuộc

8:51 22/04/2019

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Tỉnh Hà Giang có đường biên giới dài 274km giáp với Trung Quốc; Phía Bắc và Tây Bắc giáp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa; phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng; phía Tây giáp tỉnh Lào Cai, Yên Bái; phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang. Trong tiến trình của lịch sử, vùng đất Hà Giang đã qua nhiều lần thay đổi về cương vực và tên gọi.

22-4-001

Sông Lô, Hà Giang

Năm 1884, thực dân Pháp đánh chiếm thành Tuyên Quang[1], khi đó Hà Giang thuộc tỉnh Tuyên Quang. Trong giai đoạn này, để thực hiện chính sách vừa bình định vừa chiếm đóng, thực dân Pháp đã chia địa bàn Bắc Kì (từ Thanh Hoá trở ra Bắc) thành 14 quân khu từ ngày 15 tháng 4 năm 1888[2]. Địa phận Hà Giang lúc đó thuộc Quân khu 3 (Quân khu 3 gồm toàn bộ khu vực thượng lưu Sông Lô – Tuyên Quang). Có thể nói cách thức tổ chức thành các quân khu ở Bắc Kì tồn tại từ năm 1888 đến năm 1891 thể hiện rõ sự bất cập do không có sự phối hợp thống nhất giữa các tư lệnh quân khu với chính quyền bản xứ cũng như công sứ các tỉnh sở tại trong các hoạt động quận sự trên địa bàn. Do đó, không có đơn vị phụ trách hoạt động trấn áp và hoạt động của chính quyền cũng không kịp thời. Bên cạnh đó, đã có nhiều vấn đề xảy ra nơi có đoàn hành quân đi qua hoặc những điểm đóng quân. Để giải quyết các vấn đề nảy sinh này, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ngày 06 tháng 8 năm 1891 về việc thiết lập chế độ quân sự đối với các địa hạt miền núi quanh đồng bằng Sông Hồng (Bắc Kì), đồng thời bãi bỏ các Quân khu. Kể từ đây, các địa hạt vùng cao đặt dưới sự cai trị của một viên tư lệnh quân sự với đầy đủ quyền hạn cả về quân sự và dân sự.

Ngày 20 tháng 8 năm 1891[3], Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập 4 đạo quan binh tại Bắc Kì. Theo Nghị định thứ hai cùng ngày, Hà Giang được tổ chức thành tiểu quân khu (gồm phủ Tương Yên tách từ tỉnh Tuyên Quang và huyện Vĩnh Tuy tách từ phủ Yên Bình tỉnh Tuyên Quang) thuộc đạo quan binh 2.

Ngày 9 tháng 9 năm 1891[4], huyện Vĩnh Tuy thuộc tiểu quân khu Hà Giang, đạo quan binh 2 được nhập vào tiểu quân khu Yên Bái, đạo quan binh 3. Ngày 20 tháng 02 năm 1893[5], trong dịp cải tổ các quân khu, Hà Giang trở thành trung tâm của một quân khu và cùng với Tuyên Quang hợp thành đạo quan binh 3.

Ngày 17 tháng 9 năm 1895[6], đạo quan binh 3 được chia thành 3 tiểu quân khu: Tuyên Quang, Bắc Quang và Hà Giang. Trong đó, tiểu quân khu Hà Giang bao gồm huyện Vị Xuyên (trừ tổng Phù Loan và Bằng Hành), cộng thêm các tổng Phương Độ và Tương Yên.

22-4-005

Nghị định số 1432 ngày 17/9/1895 của Toàn quyền Đông Dương về việc chia đạo quan binh 3 (Hà Giang) thành 3 tiểu quân khu

Đến ngày 05 tháng 5 năm 1900[7], theo Nghị định của Toàn quyền, Đạo quan binh 3 chỉ còn lại 2 tiểu quân khu:

– Tiểu quân khu Hà Giang (tiểu quân khu cũ Hà Giang trừ khu Hoàng Tu Bi [Hoàng Su Phi] và cộng thêm khu Làng Thác [Làng Thát]);

– Tiểu quân khu Bắc Quang (tiểu quân khu Vĩnh Tuy cũ cộng thêm khu Hoàng Tu Bi, trừ khu Vĩnh Tuy và các khu Làng Thát và Lục An châu).

Ngày 13 tháng 5 năm 1903[8], đạo quan binh 3 được tái cơ cấu và chia ra thành 2 tiểu quân khu:

– Tiểu quân khu Hà Giang (tiểu quân khu cũ và hạt Hoàng Su Phi);

– Tiểu quân khu phụ Bắc Quang (tiểu quân khu cũ trừ hạt Hoàng Su Phi).

Theo Quyết định ngày 28 tháng 2 năm 1904[9] của Toàn quyền Đông Dương, đạo quan binh 3 chỉ còn duy nhất tiểu quân khu Hà Giang (tiểu quân khu Hà Giang cũ cộng với tiểu quân khu phụ Bắc Quang). Đến thời điểm này, đạo quan binh 3 Hà Giang đã được xác định ranh giới rõ ràng và tương đối ổn định.

Ngày 26 tháng 11 năm 1905[10], một số trung tâm hành chính tại đạo quan binh 2, 3 và 4 được thành lập. Khi đó, đạo quan binh 3 gồm có:

– Trung tâm Đồng Văn (tổng Đông Minh và Quang Mậu);

– Trung tâm Quản Bạ (tổng Yên Bình);

– Trung tâm Hoàng Su Phi (tổng Tụ Nhân);

– Trung tâm Bắc Quang (tổng Bằng Hành, Trinh Tường, Mục Hà và Tiên Yên).

Năm 1912, trung tâm hành chính Yên Minh thuộc đạo quan binh 3 được thành lập. Đến năm 1921, trung tâm này bị bãi bỏ theo quyết định của Thống sứ Bắc Kì.

Bản tiểu dẫn về đạo quan binh Hà Giang do Bố chính Hà Giang lập ngày 27 tháng 02 năm 1933[11]cho thấy với tổng diện tích là 9.543 km2, đạo quan binh 3 Hà Giang nằm tại khu vực phía Bắc của Bắc Kì có ranh giới như sau:

– Phía Bắc giáp các tỉnh Vân Nam và Quảng Tây.

– Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng.

– Phía Nam giáp tỉnh Bắc Cạn và Tuyên Quang.

– Phía Tây giáp các tỉnh Lào Cai và Yên Bái.

Đạo quan binh 3 gồm 5 khu vực hành chính: Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phi, Đồng Văn và Sa Phìn, trong đó, 4 khu vực hành chính đầu tiên được chia thành 16 tổng với 61 xã và 3 nhóm (động); khu vực Sà Phìn gồm 10 giáp.

Theo Niên giám hành chính Đông Dương năm 1939-1940, ở thời kì này, đạo binh 3 Hà Giang gồm có 5 đơn vị hành chính: 4 châu Bắc Quang, Vị Xuyên, Đồng Văn, Hoàng Su Phi và trung tâm đô thị Hà Giang. Các đơn vị này được chia thành 19 tổng và 75 xã.

Hà Giang là vùng đất có vị trí rất quan trọng về quốc phòng và an ninh biên giới. Do đó, từ rất sớm nhà nước phong kiến Việt Nam đã rất chú trọng đến vùng đất này. Đặc biệt khi người Pháp chiếm đóng, nhận thấy tầm quan trọng của Hà Giang, chính quyền thuộc địa đã sử dụng phương pháp quản lí bằng quân sự ở nơi đây. Trong thời kì thuộc địa, Hà Giang luôn được đặt dưới chế độ quân sự cho đến tận khi vùng đất này được giải phóng năm 1945.

 HOÀNG HẰNG 

[1]Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử, NXB Giáo dục, 2003, tr. 138

[2] Dương Kinh Quốc, Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, NXBKHXH, H. 1988, tr.144.

[3]Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, B.O.I.F 1891, tr. 717

[4]Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, B.O.I.F 1891, tr. 786-787

[5]Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, B.O.I.F 1893, tr. 170-172

[6]Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, B.O.I.F1895,tr. 1206-1207

[7]Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, B.O.I, 2è partie Annam-Tonkin 1900, tr. 708

[8] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, J.O.I.F 1903, tr. 573

[9]Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, J.O.I.F 1904, tr. 288

[10]Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, B.A.T 1905, tr. 1033-1034

[11]Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, R.S.T 54750, tờ 1

 

Liên Hệ Phòng Đọc

913419 truy cập

250 trực tuyến

Liên kết Website