TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Đi tìm dấu vết cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886 – 1887) trong tài liệu lưu trữ thời Pháp thuộc

10:37 21/12/2016

Khởi nghĩa Ba Đình là một trong các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của nhân dân Việt Nam chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp, diễn ra vào năm 1886 – 1887 tại Ba Đình, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

di tich can cu kn Ba Dinh

Di tích lịch sử văn hóa căn cứ cuộc khởi nghĩa Ba Đình, nguồn: sưu tầm   

Đến nay, đã có khá nhiều bài viết về cuộc khởi nghĩa Ba Đình với nội dung phong phú, từ việc xây dựng căn cứ địa, đến hàng ngũ chỉ huy và thành phần của nghĩa quân, rồi diễn biến cuộc khởi nghĩa… và cuối cùng là những trận chiến đấu vô cùng ác liệt của nghĩa quân Ba Đình chống lại thực dân Pháp.

Tuy nhiên, hầu hết các bài viết nói trên đều không có trích dẫn các nguồn tài liệu lưu trữ của Pháp (1). Vì vậy, bài viết này sẽ cố gắng tìm kiếm trong các phông lưu trữ (fonds d’archives) để tìm lại dấu vết cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887) với hy vọng may ra có thể phát hiện thêm tài liệu gì mới về cuộc khởi nghĩa này qua góc nhìn của chính quyền Pháp tại thuộc địa.

Căn cứ Ba Đình được xây dựng ở huyện Nga Sơn (một trong 5 huyện thuộc phủ Hà Trung) (2), Thanh Hóa. Đứng đầu tỉnh là một viên Công sứ (Résident de la province) người Pháp trực thuộc viên Khâm sứ Trung Kỳ (Résident supérieur de l’Annam) (3). Mọi hoạt động diễn ra trong mỗi tỉnh đều do các Công sứ trình lên Khâm sứ. Tờ trình, báo cáo, công văn trao đổi… giữa các viên Công sứ và Khâm sứ đã hình thành nên các phông lưu trữ của các tỉnh thuộc Trung Kỳ.

Ở Đông Dương, mãi đến năm 1917 mới có một cơ quan chuyên môn về Lưu trữ, đó là Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (Direction des Archives et des Bibliothèques de l’Indochine) do Paul Boudet (4) làm giám đốc. Nhưng ngay từ năm 1897, trong khi mà tài liệu về các hoạt động của người Pháp trên toàn Đông Dương còn ở trong tình trạng bị bỏ rơi thì ở Huế đã có một cơ quan chuyên lưu giữ tài liệu của Toà Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ do Santoni phụ trách (5). Nội dung và loại hình của tài liệu lưu trữ Trung Kỳ thời kỳ này đa phần là công văn trao đổi dưới dạng sổ, được đánh số, được sắp xếp theo năm và đã có các tập danh mục nêu rõ trích yếu của từng công văn trong từng tập có ghi chú rõ ngày đi, đến của từng công văn. Theo nhận xét của của Khâm sứ Trung Kỳ Levêque trong công văn số 88 ngày 21-5-1908 gửi Toàn quyền Đông Dương thì “đó là những tài liệu bắt nguồn từ khi có đại biện của Pháp ở Trung Kỳ (1875)” (6) nhưng đáng tiếc là “phần lớn các hồ sơ đều không đầy đủ, chính là vì bị hủy hoại do điều kiện bảo quản trong thời kỳ đầu của chúng ta [Pháp]ở xứ này còn quá tồi tàn” (7).

Cũng theo đánh giá của viên Khâm sứ, những tài liệu này có một giá trị đặc biệt vì “nó cho phép người ta nắm được tiến trình của các sự kiện đã xy ra trước đó [trước khi có đại biện của Pháp ở Trung Kỳ năm 1875], thấy được sự thiết lập nền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ và chính vì vậy, nó chứa đựng những thông tin bổ ích về lịch sử cũng như về chính trị”. Câu hỏi đặt ra là: Phải chăng đây là căn cứ để chúng ta hy vọng tài liệu về cuộc khởi nghĩa Ba Đình có thể đã được lưu tại Toà Khâm sứ Pháp ở Trung Kỳ?

Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau khi Santoni về Pháp, tài liệu ở Trung Kỳ đã lại bị rơi vào tình trạng chung trong toàn xứ Đông Dương, bị bỏ rơi không có cơ quan chuyên trách về Lưu trữ chăm sóc. Tình trạng này kéo dài mãi cho đến khi Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương ra đời vào năm 1917.

Năm 1916, với sự cố vấn của Giám đốc Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp L. Finot, Toàn quyền Đông Dương đã cho mời một Lưu trữ viên Pháp tới xứ thuộc địa này. Tháng 6-1917, với tư cách là một Lưu trữ viên cổ tự, thành viên của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp, theo yêu cầu trung gian của Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp, Paul Boudet đã tới Đông Dương để thực hiện nhiệm vụ “tiến hành một cuộc điều tra chung về tình hình hiện tại của tài liệu hành chính trong các xứ của Liên bang Đông Dương” (8). Paul Boudet đã thực hiện cuộc điều tra của mình ở các tỉnh: Hà Nội, Phủ Lạng Thương (thuộc Bắc Kỳ); Thanh Hoá, Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Quảng Trị, Huế, Thừa Thiên, Faifo [Hội An], Tourane [Đà Nẵng], thuộc Trung Kỳ; Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hoà, Thủ Dầu Một (thuộc Nam Kỳ) và đã viết báo cáo trình lên Hội đồng chính phủ cùng dự án tổ chức cơ quan Lưu trữ và Thư viện Đông Dương và một dự thảo nghị định cho việc thành lập cơ quan này.

Từ đó, tài liệu lưu trữ ở các nước Đông Dương đã được bảo quản, sắp xếp theo phương pháp khoa học tiên tiến của châu Âu. Thông tin vô giá trong những hồ sơ tài liệu thời kỳ thuộc địa đã được các nhà nghiên cứu khai thác, biên soạn nên nhiều công trình, tạo dựng lại mọi góc cạnh về công cuộc xâm chiếm các nước Đông Dương của thực dân Pháp. Ngay trong thời kỳ thuộc địa, tài liệu lưu trữ của Kho Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội đã góp phần làm nên những tác phẩm nổi tiếng như cuốn “Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888)” xuất bản tại Paris năm 1929 của André Masson (9) và nhiều cuốn khác của các nhà nghiên cứu cũng như các nhà thực dân, các chính khách Pháp. Song điều ngạc nhiên là một cuốn sách chuyên khảo về Thanh Hóa, cuốn “La province de Thanh Hoa” của Le Breton xuất bản tại Hà Nội năm 1924 gồm 44 trang (sách do Khâm sứ Trung Kỳ Pasquier viết lời tựa) thì lại không có một dòng nào nhắc tới địa danh Ba Đình.

Theo báo cáo hàng năm của Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, công tác thu thập, chỉnh lý và phục vụ khai thác của cơ quan Lưu trữ Trung Kỳ thực hiện rất tốt. Chính vì vậy, cơ quan này đã để lại một khối lượng tài liệu lớn có giá trị về nhiều mặt, những tài liệu này đã được chỉnh lý theo khung phân loại thống nhất dùng cho các nước Đông Dương lúc đó (thường gọi là khung phân loại Paul Boudet) (10).

Năm 1946, chiến tranh nổ ra, kế hoạch mở rộng thành phố Huế cùng với dự kiến xây kho Lưu trữ và Thư viện trên đại lộ chính của thành phố Huế đã không thực hiện được. Vì nhiều lý do, tài liệu của Tòa Khâm sứ Trung Kỳ đã bị phân tán, thất lạc, mất mát khá nhiều trong chiến tranh (11).

Theo thỏa ước ký kết giữa Pignon và Bảo Đại ngày 15-6-1950, Pháp đã mang một khối lượng lớn tài liệu lưu trữ về nước. Những tài liệu này được tập kết tại kho lưu trữ của Phủ Thống đốc Nam Kỳ tại Sài Gòn. Do không đủ thời gian vì lúc đó chiến dịch Điện Biên Phủ đã nổ ra nên Pháp đã để tài liệu của Tòa Khâm sứ Trung Kỳ lại Sài Gòn. Số tài liệu này hiện nay còn khoảng trên 134 mét (có thời gian từ 1874 đến 1945) và đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Đà Lạt. Điều đó cho phép khẳng định rằng, những tài liệu về cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887) nếu đã từng tồn tại trước đó cũng không có trong Trung tâm này.

Cá biệt, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I ở Hà Nội có một số tài liệu của Tòa Công sứ Thanh Hóa với số lượng rất ít (32 gói) (12) nhưng có thời gian từ 1901 đến 1945. Điều đó cũng loại trừ khả năng xuất hiện tài liệu về cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887) trong số tài liệu này.

Như vậy, trải qua một thời gian rất dài trong lịch sử, trong khoảng thời gian trên 130 năm với biết bao yếu tố như tác động của chiến tranh, của khí hậu nhiệt đới nóng ẩmvà sự tắc trách của con người…, tài liệu lưu trữ về cuộc khởi nghĩa Ba Đình gần như đã biến mất, không để lại dấu vết gì. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một người làm tư liệu trên 40 năm đã từng nghiên cứu tài liệu của cả 4 Trung tâm Lưu trữ Quốc gia ở Việt Nam và Lưu trữ Hải ngoại quốc gia Pháp (Archives Nationales d’Outre-Mer) ở Aix-en provence (nơi bảo quản những tài liệu Pháp mang từ Việt Nam về theo thỏa ước ngày 15-6-1950), chúng tôi cho rằng: mặc dù khả năng tìm thấy tài liệu mới về cuộc khởi nghĩa Ba Đình gần như là vô vọng song những kết quả nghiên cứu, khảo sát thực địa của những người đi trước đã chứng minh được tinh thần của cuộc khởi nghĩa Ba Đình cũng như toàn bộ khí thế sục sôi, tinh thần chiến đấu ngoan cường, không khoan nhượng của đông đảo tầng lớp nhân dân Thanh Hóa trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Khởi nghĩa Ba Đình mãi mãi là một bức tranh sống động, toàn cảnh, chân thực nhất; là bản anh hùng ca, là mốc son, là dấu ấn đậm nét trong giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam. 

TS. Đào Thị Diến

 

(1)Tư liệu mà các nhà nghiên cứu dùng để viết về cuộc khởi nghĩa Ba Đình chủ yếu là hồi ký, sách của một số học giả thực dân như: Le Capitaine J. Masson, “Souvenirs de l’Annam et du Tonkin”, Paris, 1903; Le Commandant brevete Chabrol, “Opérations militaires au Tonkin”, Paris, 1896; Le Capitaine Rouyer, “Histoire militaire et politique de l’Annam et du Tonkin depuis 1799”, Paris, 1906 ; “Histoire Militaire de l’Indochine française” (tome 1), Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoï- Haiphong, 1931…

(2)Năm huyện thuộc phủ Hà Trung là Tống Sơn (sau là phủ Hà Trung), Nga Sơn, Hoằng Hoá (sau đặt thành phủ), Mỹ Hóa (sau nhập làm một với huyện Hoằng Hóa) và Hậu Lộc.

(3)Vào thời điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Khâm sứ Trung Kỳ là Dillon (từ 19-4-1886 đến 18-5-1886) và Hector (quyền Khâm sứ từ 18-5-1886 đến 14-11-1888).

(4)Boudet (Paul Marie Auguste) sinh ngày 18-7-1888 tại Mende (Lozère- Paris), mất ngày 10-12-1948 tại Valde Grâce (Paris). Bắt đầu học ở Ecole Nationale des Chartes năm 1909, trở thành Lưu trữ viên Cổ tự năm 1914, là người sáng  lập Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương và là Giám đốc Sở từ 1917 đến 1948.

(5)Santoni vốn xuất thân từ một viên cai trong đội lính khố xanh có một số hiểu biết về khung phân loại tài liệu lưu trữ của Pháp. 

(6)Đại biện đầu tiên của Pháp bên cạnh chính phủ Nam triều chính thức đóng tại Huế ngày 21-7-1875 là Rheinart, thể theo điều 20 của hiệp ước ngày 15-3-1874. Đây chính là tiền thân của chế độ Khâm sứ sau này.

(7)Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (TLTQG I), Phông Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (fonds de la Direction des Archives et des Bibliothèque de l’Indochine – DABI), hs: 454.

(8)Trích Thông tư số 36 ngày 6-7-1917 của Toàn quyền Đông Dương gửi phụ trách các công sở trực thuộc Phủ Toàn quyền về việc sắp xếp tài liệu và về cuộc khảo sát của Paul Boudet, TTLTQG I, Phông Phủ Toàn quyền Đông Dương (Fonds du Gouvernement général de l’Indochine–GGI), hs: 26988.

(9)Vào thời điểm đó, André Masson đang là Lưu trữ viên Cổ tự, Lưu trữ-Thư viện viên hạng nhất tại Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương.

(10)Tên của Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương từ 1917-1942 và cũng là tên của người phá tminh ra khung  phân  loại  này.

(11)Cũng theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, đến trước năm 2000 vẫn có người tình cờ mua được tại một hiệu sách cũ trong thành phố Huế một số hồ sơ tài liệu của Tòa Khâm sứ Huế trước kia.

(12)Tòa Công sứ Thanh Hóa nộp tài liệu vào Kho Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội ngay từ đợt đầu tiên (năm 1925).

Liên Hệ Phòng Đọc

900153 truy cập

227 trực tuyến

Liên kết Website