TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

“Đất lúa” Thái Bình đầu thế kỉ XX

4:45 07/06/2018

Thái Bình là một tỉnh ven biển ở vùng đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam và là tỉnh có sản lượng lúa gạo lớn nhất miền Bắc. Thái Bình còn là tỉnh có bề dày truyền thống cách mạng với nhiều làng nghề nổi tiếng như: làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, làng Nguyễn (bánh cáy, múa rối nước), làng chiếu Hới, làng vải Mẹo,… Để giúp bạn đọc có thêm thông tin về vùng đất này trong khoảng thời gian đầu thế kỉ XX, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết về tỉnh Thái Bình năm 1907 đăng trong cuốn “Niên giám hành chính, thương mại và kỹ nghệ” hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

anhthaibinh

Tỉnh Thái Bình năm 1907

Ranh giới: Thái Bình ở Đông Nam vùng Châu thổ sông Hồng thuộc Bắc Kỳ; phía Bắc giáp tỉnh Hải Dương; phía Tây và phía Nam giáp các tỉnh Nam Định và Hà Nam; phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ; phía Tây Bắc giáp tỉnh Hưng Yên.

Dân cư: Thái Bình được coi là tỉnh đông dân nhất ở khu vực phía Nam Bắc Kỳ với gần 900.000 người, trong đó có 150 người Hoa và 40 người Âu.

Đường giao thông: Các công trình như đường giao thông, hệ thống đê điều, trạm, chợ… phần lớn đều được xây dựng từ nguồn ngân sách của tỉnh hoặc ngân sách Bắc Kỳ.

Thái Bình có một số tuyến đường như: Thái Bình – Nam Định – Phủ Lý, Thái Bình – Hưng Yên và một số đường đê khác.

Là một tỉnh có hệ thống sông ngòi dày đặc và sở hữu một mạng lưới đường thủy thuận lợi song Thái Bình lại chưa có bất kì dịch vụ vận tải đường sông thường xuyên nào, ngoại trừ các tàu xà-lúp phục vụ tuyến Hà Nội – Nam Định đậu tại bến Tân Đệ.

Những đường thủy chính mà tàu bè có thể qua lại được là sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa và Vịnh Bắc Bộ.

Tuy nhiên, cũng có nhiều tàu xà-lúp, nhất là tàu của người Hoa thường xuyên qua lại tỉnh, đây là phương tiện giao thông khá tiện dụng để đi lại trong tỉnh cũng như tới các tỉnh khác như Nam Định, Hải Phòng.

Sản vật: Thái Bình là tỉnh có sản lượng lúa gạo cao nhất Bắc Kỳ và hoạt động kinh doanh loại thực phẩm đặc thù này mang lại nguồn thu chính cho tỉnh. Nghề trồng lúa cung ứng nguồn hàng xuất khẩu chủ lực từ Bắc Kỳ đến các xứ lân cận. Ngoài ra tỉnh còn trồng thử nghiệm cây bông.

Ngành kỹ nghệ hoàn toàn mang tính địa phương, cung cấp tơ lụa chất lượng cao, đường và một số sản phẩm nhỏ lẻ khác.

Tỉnh lỵ Thái Bình:

Cách Hà Nội 100 km và Hải Phòng 75 km. Tại tỉnh lỵ, hoạt động buôn bán gạo và các sản phẩm của địa phương khá phát triển. Nơi đây có trạm hải quan, lò chưng cất rượu, kho muối, văn phòng Công chính, phân đội lính khố xanh, trạm bưu điện và bệnh viện bản xứ.

Tỉnh lỵ Thái Bình nối liền với các tỉnh Nam Định, Phủ Lý và Hưng Yên cũng như các trại lính khố xanh tại trụ sở các phủ, huyện và chợ trong tỉnh thông qua những tuyến đường xe cộ có thể qua lại được.

Bộ máy chính quyền bản xứ: Gồm có Tuần phủ, Án sát, Đốc học và các Tri phủ, Tri huyện.

Đơn vị hành chính: Tỉnh Thái Bình gồm có 3 phủ, 12 huyện, 88 tổng, 658 xã;

1.Phủ Kiến Xương: 4 huyện, 31 tổng, 352 xã, có một xưởng sản xuất chiếu cói ở làng Quất Trung (Trực Đinh) với 300 công nhân;

– Huyện Trực Định: gồm 7 tổng (Cao Mại, Xuân Vũ, Thịnh Quang, An Bồi, Thụy Lũng, Đồng Xâm, Nam Huân), 69 xã và 3.028 đinh.

– Huyện Vũ Tiên: Nằm cách Hà Nội 101 km, Hải Phòng 67 km và Thái Bình 1 km, huyện có 8 tổng (Tri Lai, Ô Mễ, Đa Cốc, Lịch Bài, Lạc Đạo, Hội Khê, Đội Trạch, Hành Nghĩa), 64 xã và 28.034 đinh.

– Huyện Thư Trì: Nằm cách Hà Nội 95 km, cách Hải Phòng 75 km và cách Thái Bình 11 km. Huyện có 8 tổng (Bổng Điền, Lộc Điền, Thuận Vi, Khê Kiên, An Lão, Cự Lâm, Vô Ngại, Nội Lãng), 56 xã, 20.765 đinh.

Huyện Tiền Hải: Nằm cách Hà Nội 128 km, Hải Phòng 95 km và Thái Bình 28,12 km. Huyện có 8 tổng (Tân Phong, Tân Cơ, Tân Định, Đại Hoàng, Tân An, Tân Hưng, Tân Thành, Đông Thành), 63 xã, 12.261 đinh.   

2. Phủ Thái Ninh: Gồm có 3 huyện, 34 tổng, 227 xã:

– Huyện Thanh Quan: 11 tổng (Cát Đàm, Thượng Tầm, Trực Nội, Đông Động, Đồng Hải, Vị Dương, Thần Huống, Lê Thần, Trừng Hoài, Phúc Khê, Tân Bồi), 63 xã, 22.518 đinh.

– Huyện Đông Quan: Cách Hà Nội 120 km, Hải Phòng 55 km và Thái Bình 20 km, huyện này có 8 tổng (Bình Cách, Hóa Tài, Đông Hồ, An Tiêm, Phương Quan, Hạ Động, Thượng Liệt, Đồng Vi), 57 xã, 12.118 đinh.

– Huyện Thụy Anh: Nằm cách Hà Nội 115 km, cách Hải Phòng 55 km và cách Thái Bình 38 km. Huyện có 9 tổng (Hổ Đội, Quảng Nạp, Cao Dương, Hoành Sơn, An Định, Vạn Xuân, An Bái, Ninh Cự, Bích Du), 59 xã và 13.245 đinh. Ở đây có nghề trồng cây thuốc lá và đánh bắt cá.

3. Phủ Tiên Hưng: Gồm 4 huyện, 23 tổng và 79 xã, nằm cách Hà Nội 85 km, cách Hải Phòng 75 km và cách Thái Bình 26 km.

– Huyện Thần Khê: Có 9 tổng: Cổ Quán, Phú Khê, Cao Mỗ, Cổ Cốc, Hoàng Nông, An Lạc, Xích Bích, Đô Kỳ, Ỷ Đôn.

– Huyện Quỳnh Côi: Có 7 tổng (Quỳnh Côi, Tang Giá, Đồng Trực, Tiên Bố, Sơn Đồng, Quỳnh Ngọc), 66 xã, 11.022 đinh.

– Huyện Duyên Hà: Nằm cách Hà Nội 85 km, Hải Phòng 52 km, Thái Bình 20 km, gồm có 7 tổng (Thượng Hộ, Vị Sĩ, Duyên Hà, An Xá, Hà Lí, Thượng Bái, Canh Nông), 65 xã, 14.858 đinh.

– Huyện Hưng Nhân: Nằm cách Hà Nội 85 km, cách tỉnh lỵ 30 km, huyện có 2 xưởng sản xuất chiếu cói với khoảng 1.400 công nhân. Trung tâm huyện là Bến Hiệp trên dòng sông Luộc, có một đồn tự vệ, và nhiều lái buôn người Hoa. Huyện này có 7 tổng: Đặng Xá, Thanh Triều, Tống Xuyên, Hiệu Vũ, Hà Lão, Quan Bế, Lập Bái, 66 xã và 14853 đinh.

 

 

Tài liệu tham khảo

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Niên giám hành chính, thương mại và kỹ nghệ, phần I, năm 1907, S 189, 535-536.

 

MINH PHÚC

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Liên Hệ Phòng Đọc

891515 truy cập

137 trực tuyến

Liên kết Website