TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Đảo Bạch long Vĩ trong nghiên cứu thám sát của người Pháp

4:47 31/05/2016

Năm 1944, Tuần báo Đông Dương số 200 ra ngày 29/06/1944 đăng tải một nghiên cứu thám sát chưa từng công bố về đảo Bạch Long Vĩ của Đông Dương do Hội Lapicque và Công ty tiến hành.

1

Vị trí địa lý của đảo Bạch Long Vĩ

Các chỉ dẫn đi biển viết về hòn đảo Bạch Long Vĩ như sau:

 “Hòn đảo này nằm ở 20008 Bắc và 107043 Đông giữa vịnh Bắc Kỳ, một điểm đáng để thám sát, mang dáng hình tam giác có chu vi là 7km, ở giữa là cao nguyên (cao 58m so với mực nước biển) với một số sườn khá dốc đứng, số khác được cây xanh bảo phủ. Quanh đảo cách chừng 0,5-0,75 dặm là những dãy đá ngầm, do vậy tàu bè khi qua lại đây cần chú ý trong khoảng 2 dặm. Người ta có thể nhận ra từng đàn cá bơi cách các bãi đá ngầm”. Hiện tại (năm 1944), buôn bán hàng hải được mở rộng, tình hình buôn bán vũ khí phức tạp, các đảo lớn nhỏ, đá ngầm, đảo san hô trong khu vực đóng vai trò quan trọng trong mục đích phục vụ các máy bay, thủy phi cơ, các trạm khí tượng thủy văn hoặc truyền thanh khi hoàn cảnh điều kiện cho phép.

Thu thập các thông tin về đảo Bạch Long Vĩ là một công việc cực kỳ quan trọng do vị trí tiền đồn đắc địa của nó đối với vịnh Hạ Long. Bạch Long Vĩ nằm cách vùng đất ở cực nam vịnh Hạ Long chừng 38 dặm, cách ngọn hải đăng Norway 42 dặm, cách cửa sông Hồng đổ ra biển 65 dặm và cách mũi Pillar- điểm địa đầu phía tây đảo Hải Nam của Trung Hoa là 83 dặm. Bạch Long Vĩ có nghĩa là Đuôi Rồng Trắng, hay còn được biết đến tên gọi khác là Vô Thủy Đảo (Đảo không có nước). Dân bản xứ còn gọi đây là Hải Bào đảo do nơi đây rất dồi dào nguồn bào ngư. Trên các bản đồ của Anh và một số bản đồ của Pháp, Bạch Long Vĩ được đặt tên là Nightingale, có thể xuất xứ từ tên con tàu từng cập bến nơi đây hoặc theo nghĩa không hay trong tiếng Anh (night in gale: đêm đầy bão) do đặc điểm thời tiết xấu, vùng này thường xuyên có bão.

a2

Vùng neo đậu tàu ở đảo Bạch Long Vĩ

Bạch Long Vĩ cũng là điểm phải đến trong lộ trình kinh lý mà chính quyền cấp cao của Pháp yêu cầu cấp dưới khi tiến hành tuần tra giám sát định kỳ bắt đầu từ vịnh Hạ Long, đến Cô Tô, Bạch Long Vĩ, vòng quanh quần đảo Hoàng Sa, quay trở lại các đảo dọc bờ biển Trung Kỳ và kết thúc tại trạm Thuế đoan Appowan ở Các Bà (hay còn gọi là Cát Bà). Nhân viên thu thuế ở trạm Thuế đoan Appowan là đại lý hành chính quan trọng và là nơi đăng kiểm của tất cả các tàu đánh cá Trung Hoa qua lại trong vịnh Bắc Kỳ, các tàu chuyển muối đến các kho ở Các Bà, các tàu được phép đánh bắt cá tại đây cũng như các tàu neo đậu trong các cảng, vũng. Thông qua Công sứ Quảng Yên, đại lý hành chính này có quan hệ chặt chẽ về mặt hành chính với trưởng đồn Cô Tô- khu vực trực thuộc Bạch Long Vĩ. Đại lý hành chính thông báo trực tiếp đến trưởng đồn các đảo Cô Tô các thông tri nhận được, thanh tra tiến hành ở Bạch Long Vĩ được báo cáo chi tiết tình hình trên đảo kèm theo biên bản. Chính quyền Pháp cũng thành lập chức danh lý trưởng trên Bạch Long Vĩ, được giao nhiệm vụ vẫy cờ hiệu khi có tàu đến neo đậu tại đây và được cấp con dấu riêng theo quyền hạn. Trong các chuyến kinh lý, thẻ thuế thân được chính quyền Bảo hộ cấp cho cư dân trên đảo nhằm giúp mục đích thông kê và giám sát dân cư thuận lợi.

Hiện không có nhiều tài liệu tham khảo đề cập đến lịch sử của Bạch Long Vĩ, tuy nhiên hiện có khoảng 25-50 thuyền đăng ký đánh đánh bắt ở Các Bà, tháng 9 hàng năm các ghe thuyền ra khơi đánh cá trong các dòng nước nam Bạch Long Vĩ để có thể neo đậu ở đảo tránh các đợt gió mùa thổi từ bắc sang đông. Cũng có một số tàu đánh cá từ Hải Nam tới thông thương, nhưng vì trên đảo thiếu nước nên khó đảm bảo điều kiện sinh sống bình thường tại đây.

Khoảng năm 1920, người ta phát hiện ra một điểm nước ngọt là giếng đào ở phía nam cao nguyên. Tính chính xác của thông tin được chính thức xác nhận vào tháng 08/1921, trong báo cáo của viên trưởng đồn các đảo Cô Tô, theo lệnh của chỉ huy đơn vị lính Khố xanh đóng tại Quảng Yên, kèm theo một thỉnh nguyện viết bằng chữ Hán của một người dân làng Giáp Nam (Cô Tô) đề nghị được cho phép canh tác trên khu đất thấp của Bạch Long Vĩ. Báo cáo trên cũng cho biết về nguồn tôm cá, động vật thân mềm quanh đảo rất dồi dào. Kể từ thời điểm đó, chính quyền Pháp gia tăng giám sát vùng đất nằm trong quyền bảo hộ của họ. Chình quyền trung ương ra chỉ thị yêu cầu tàu tuần tra của Sở Thuế đoan và các ghe thuyền gắn động cơ của các đảo Cô Tô thuộc các đơn vị trong hạm đội phải ghé thăm Bạch Long Vĩ ít nhất một lần trong năm.

Đảo Bạch Long Vĩ- những con số trong nghiên cứu

Bạch Long Vĩ mang hình dáng của tam giác lệch, cạnh lớn nhất dài chừng 3km chạy theo hướng bắc-bắc-đông-nam-tây, chiều cao của tam giác lệch này là 1km500, tổng diện tích là 225 héc-ta. Trên đảo có các lớp trầm tích: cát kết trải dọc bờ đảo tồn tại dưới dạng tầng lớp, dốc nghiêng theo chiều từ tây sang đông, thỉnh thoảng đan xen là tầng trầm tích thẳng đứng. Rất nhiều mảnh vụn san hô khi sóng đánh dạt vào bờ tạo nên các đụn nối tiếp trải dài hàng trăm mét. Chúng tôi thấy trên đảo còn có các bãi cát rộng, một trong số đó phủ kín phần phía nam đảo từ đông sang tây, nơi có dân cư sinh sống.

2

Cư dân trên đảo đánh bắt bào ngư

Dân cư trên đảo: Vì những lý do liên quan đến sự thuận tiện và an toàn, ba khu dân cư được quy tập tại ngôi làng lớn nhất trên đảo, với khoảng 75-80 nóc nhà tranh vách đất với số dân khá ổn định. Dân cư trên đảo dao động chừng 200 người, trong đó có khoảng 30 phụ nữ và 60 trẻ em. Các khu nhà dân dựng trên sườn dốc tây cao nguyên quanh một miếu nhỏ.

Các điểm có nước ngọt: Bạch Long Vĩ được cung cấp nước bởi ba điểm nước ngọt sau: 1º Một giếng nước gần làng, cách các gò đất chừng 300m, lưu lượng thấp, nước đục đầy bùn nên đã bị bỏ hoang; 2º Một giếng nằm trong khu các đầm lầy, cách làng chừng 1km, tận sâu của thung lũng đầy cây, giếng chứa nước từ các nơi trong thung lũng dồn về và nước chảy từ trên các cành cây xuống, khiến đất xung quanh khá ẩm ướt; 3. Giếng nước thứ ba nằm cách các đầm lầy chừng 500 về phía bắc, trên khoảnh đất pha cát bằng phẳng, nhô cao 5m so với mặt đất xung quanh. Giếng này nhiều nước với chất lượng khá tốt.

Các khu có dân sinh sống được cung cấp nước ngọt đầy đủ, nhiều khả năng một vài điểm ở sườn tây cũng có nước ngọt. Cát kết xuất hiện dưới tầng đất ngầm của đảo cho thấy chắc chắn có sự tồn tại của nước ngọt ở đây. Cách làng 500m và sát bên bờ biển là một miếu nhỏ, nơi thờ thần Giếng. Trong miếu có một tấm bia khắc chữ Hán: Thủy Thang Phúc Thần Vị. Mặt tiền của miếu trông ra biển được bảo vệ che chắn bằng một bức tường xây bằng đá xây, trong bức tường mặt tiền của miếu có đặt ban thờ thần Núi, với cờ bằng nhiễu đỏ thêu chữ bằng tiếng Hán: Sơn Đầu Đại vương.

Trồng trọt và chăn nuôi: Người dân canh tác trên phần đất trải dài từ đụn và cao nguyên sườn dốc phía đông của đảo tới đỉnh gò. Các khai khẩn lớn dự kiến phục vụ canh tác nay mai có thể sẽ gây ra hậu quả phá hủy hệ thực vật tự nhiên trên đảo. Loại cây trồng chính ở Bạch Long Vĩ là khoai lang do đất ở đây pha cát và giàu chất hữu cơ, rải rác có các ruộng lúa, các khu đất trồng lạc, lúa miến và rau. Diện tích đất có thể canh tác ước tính chừng 20 héc-ta. Người dân ở đây muốn tiến hành thêm các đợt khai hoang lớn mới nhằm mở rộng diện tích canh tác trên đảo. Gia súc ở Bạch Long Vĩ chủ yếu là bò, số lượng không nhiều dựa trên vết chân chúng để lại mỗi lần đi qua, dân trên đảo cũng nuôi lợn và nhiều gia cầm.

Tới thời điểm hiện tại (năm 1944), các thống kê chính xác về ngư sản còn rất hạn chế,  buôn bán chưa sầm uất vì không tìm thấy dấu hiệu tiền tệ trên đảo. Buôn bán chủ yếu tại chỗ, cá đánh bắt về được tiêu thụ ngay trên bãi biển hoặc được dủng làm dự trữ, phần lớn chở gửi tới đảo Các Bà, số ít bán sang đảo Hải Nam. Bào ngư là sản vật được chủ các ghe người Hoa cập đảo thu mua và bán sang Quảng Đông của Trung Hoa. Chính quyền Pháp ở Đông Dương rất quan tâm về mặt chính trị cũng như hành chính ở vùng đất thuộc Công sản này, dù đảo Bạch Long Vĩ có diện tích khiêm tốn và nghèo. Chính quyền Bắc Kỳ dự kiến cho xây dựng một ngọn hải đăng trên Bạch Long Vĩ. Có rất nhiều nhà hàng hải đã trình báo cáo về tính cần thiết phải xây dựng ngọn hải đăng trên đảo, tạo thuận lợi cho các tàu đến từ phía nam cập các cảng Bắc Kỳ một cách thuận lợi bởi các tần số sóng phát thành không ổn định ảnh hưởng xấu đến việc dẫn hướng tàu. Trong chuyến du ngoạn ghé qua Bạch Long Vĩ, các thành viên thuộc Câu lạc bộ thể thao bơi thuyền vịnh Hạ Long đã phát hiện thấy nhiều xương động vật cổ trong khu vực cao nhất của cao nguyên.

Đối với các đường hàng không đặc biệt từ Đà Nẵng tới Hồng Kông, Bạch Long Vĩ mang lợi ích khá quan trọng, nên cho xây dựng một sân bay phòng hộ trong khu phía đông nam đảo, với diện tích vừa phải, các công trình không quá tốn kém, trên nền đất vững chắc. 

Ngọc Nhàn

Theo archives.gov.vn

Liên Hệ Phòng Đọc

912140 truy cập

311 trực tuyến

Liên kết Website