TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Cuộc gặp gỡ sau hơn 30 năm

11:09 23/08/2017

Nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (04/9/1962- 04/9/2017), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Đinh Hữu Phượng, một cựu viên chức đã có 39 năm gắn bó với ngành Lưu trữ và với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, đồng thời cũng là một chuyên gia đã có đóng góp trong việc giúp Campuchia về công tác Lưu trữ. Bài viết là hồi tưởng của tác giả về thời kỳ làm chuyên gia tại Lưu trữ quốc gia Campuchia trong những năm 1985-1986.                      

Tôi về nghỉ hưu đã được mấy năm nhưng vẫn đang làm hợp đồng chỉnh lý tài liệu tiếng Pháp tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Sáng ngày 02/8/2017, tôi đang làm việc tại phòng thì được đồng chí Trần Thị Mai Hương, Phó Giám đốc phụ trách hiện nay của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I báo rằng sáng ngày 03/8/2017 có đoàn của Cục Lưu trữ Quốc gia Campuchia đến thăm Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Đồng chí Trưởng đoàn (Phó Cục trưởng hiện nay của Lưu trữ quốc gia Campuchia) muốn gặp tôi. Nhận tin tôi cứ suy nghĩ mãi: “Không biết ai đây? Chị Lâm Ky, Cục trưởng đã nghỉ hưu…”.

Sáng ngày 03/8/2017 tôi đến phòng làm việc sớm hơn mọi ngày để chuẩn bị đón khách. Khoảng 9 giờ sáng, có tiếng gõ cửa phòng làm việc, tôi mở cửa phòng, một người đàn ông trung niên, dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, da ngăm đen xuất hiện trước mặt tôi, tôi reo lên: “Ôi Muôn-Chiêng”, Muôn-Chiêng cũng reo lên bằng tiếng Việt: “Anh Phượng”. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, lặng đi không nói một lúc…

Thế là đã 31 năm sau khi tôi kết thúc nhiệm kỳ công tác chuyên gia vào tháng 11 năm 1986 về nước thì đây là lần đầu tiên tôi và Muôn-Chiêng gặp lại nhau. Ngày ấy anh còn là một chàng thanh niên trẻ măng, khoảng 20 tuổi, mới vào làm việc tại cơ quan Lưu trữ Campuchia, còn bây giờ anh là Phó Cục trưởng Cục Lưu trữ quốc gia Campuchia và là người có thời gian công tác lâu năm nhất hiện nay của Lưu trữ quốc gia Campuchia.

Chúng tôi ngồi nói chuyện, tôi hỏi thăm về các anh, chị cùng làm việc với tôi từ những năm 1985, 1986, ai còn làm việc, ai đã nghỉ hưu, tôi hỏi về việc xử lý tài liệu, về công việc hiện nay của Kho lưu trữ. Anh Muôn-Chiêng thì nói về những kỷ niệm thời kỳ tôi làm chuyên gia ở Campuchia trước đây. Bỗng chốc, tất cả kỷ niệm về thời kỳ chúng tôi làm chuyên gia giúp nước bạn Campuchia về công tác lưu trữ từ những năm 1985-1986 ùa về, rõ mồn một như mới ngày hôm qua…

1

Đồng chí Muôn-Chiêng và đồng chí Đinh Hữu Phượng trong cuộc gặp sáng ngày 03/8/2017 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Sau ngày 07 tháng Giêng năm 1979, quân đội tình nguyện Việt Nam giúp Campuchia đánh tan bọn Pôn-Pốt, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng thì hầu như tất cả các ngành của Việt Nam đều được Campuchia mời các chuyên gia dân sự sang giúp Campuchia xây dựng lại đất nước, trong đó có các chuyên gia của ngành Lưu trữ Việt Nam.

Cục Lưu trữ Campuchia đã được thành lập, trực thuộc Văn Phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia (Đồng chí Ung-Phon làm Bộ trưởng Văn Phòng Hội Đồng Bộ trưởng). Cục Lưu trữ Campuchia lúc đó chưa có Cục trưởng, đồng chí Sin-Khin làm Cục phó. Tổ chức của Cục Lưu trữ lúc đó gồm có: Phòng Hành chính, Phòng Nghiệp vụ và Kho Lưu trữ trung ương (nữ đồng chí Tchai-Văn-Nươơg làm Trưởng kho). Tất cả cán bộ, công nhân viên của Cục Lưu trữ lúc đó có 12 người (trong đó có anh Muôn-Chiêng là cán bộ của Kho Lưu trữ trung ương).

Ngành Lưu trữ Việt Nam mở đầu quan hệ hợp tác với ngành Lưu trữ Campuchia bằng chuyến sang thăm và làm việc của đồng chí Cục trưởng Cục Lưu trữ Nhà nước Vũ Dương Hoan vào khoảng năm 1984. Sau chuyến sang thăm và làm việc của đồng chí Cục trưởng thì các chuyên gia của Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam được cử sang giúp Campuchia xây dựng ngành Lưu trữ.

Ba người chúng tôi, gồm có: Đồng chí Võ Xuân Viên, Chánh Thanh tra của Cục Lưu trữ Nhà nước, Nguyễn Quốc Bảo, Hiệu phó của Phân hiệu II Trường Trung cấp Văn thư Lưu trữ tại TP Hồ Chí Minh và tôi – Đinh Hữu Phượng, Phó Phân Kho tài liệu Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Kho Lưu trữ trung ương thuộc Cục Lưu trữ Nhà nước được Cục trưởng Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam ký quyết định sang làm chuyên gia giúp Campuchia về công tác Lưu trữ trong hai nhiệm kỳ là 9 tháng vào các năm 1985,1986. Đoàn chia thành hai nhóm: đồng chí Võ Xuân Viên và Nguyễn Quốc Bảo thì giúp về công tác đào tạo nghiệp vụ văn thư lưu trữ cho các cán bộ làm công tác văn thư lưu trữ ở các cơ quan trung ương và các điạ phương; tôi giúp về công tác nghiệp vụ của Kho Lưu trữ.

2

Đồng chí Đinh Hữu Phượng cùng các cán bộ của Cục Lưu trữ Campuchia tại Phnom Penh ngày 17/3/1986 (đồng chí Đinh Hữu Phượng đứng thứ hai từ trái sang)

Ngay sau khi sang đến Phnom Penh, chúng tôi đã được đồng chí Ung-Phon, Bộ trưởng Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng tiếp, hỏi về công việc của các chuyên gia. Đồng chí Võ Xuân Viên thay mặt đoàn báo cáo với đồng chí Ung-Phon về công việc của chúng tôi. Sau đó chúng tôi về làm việc với các đồng chí lãnh đạo Cục và Kho Lưu trữ để triển khai công việc.

Đồng chí Viên và Bảo thì bàn ngay việc triệu tập học viên, địa điểm, thời gian tổ chức lớp học.

Tôi chịu trách nhiệm giúp về công tác nghiệp vụ cho Kho Lưu trữ gồm: thống kê, tập hợp số liệu tất cả tài liệu, tư liệu trong kho, làm các văn bản để bàn giao Kho lúc đó đang do Thư viện quốc gia thuộc Bộ Văn hóa quản lý sang cho Cục Lưu trữ Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia quản lý và sau đó là các công tác nghiệp vụ về sắp xếp, chỉnh lý tài liệu.

Kho Lưu trữ Campuchia có ba tầng được xây dựng từ thời kỳ thực dân Pháp đô hộ ở Campuchia, là một trong năm Kho Lưu trữ của Đông Dương được thành lập theo Nghị định do viên Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut ký ngày 26/12/1918.

Trong nhiệm kỳ công tác đầu là 6 tháng vào năm 1985 tôi dành một tuần đầu tiên để lên lớp, trình bày cho tất cả cán bộ, viên chức của Cục, Kho Lưu trữ và một số cán bộ làm công tác văn thư lưu trữ của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia về các chuyên đề:

1.Sơ lược về quá trình xâm nhập của thực dân Pháp vào Đông Dương;

2.Sơ lược về tổ chức của thực dân Pháp ở Đông Dương;

3.Những khái niệm về văn thư lưu trữ theo cuốn sách “Cẩm nang của nhân viên Lưu trữ” (Manuel de l’Archiviste) của Paul Boudet, Giám đốc Nha Lưu trữ và Thư viện Đông Dương.

Sau một tuần tập huấn tôi bắt tay vào hướng dẫn cho các cán bộ của Kho phân loại tài liệu, tư liệu để lập mục lục, tập hợp số liệu và làm các văn bản bàn giao. Thời kỳ này cán bộ của Kho Lưu trữ gồm có: Chị Tchai-Văn-Nươơng là Trưởng Kho, chị Tchai-Văn-Niêng, Chị Lâm Ky sau này đều lần lượt làm Cục Trưởng Cục Lưu trữ quốc gia Campuchia, anh Chun-Lim sau này làm Trưởng phòng Hành chính, anh Muôn-Chiêng, hiện nay là Cục phó Cục Lưu trữ quốc gia Campuchia và một số anh, chị khác…

Một khối lượng công việc rất lớn gồm: phải vận chuyển, di dời tài liệu từ chỗ nay đến chỗ khác, từ tầng này đến tầng khác. Sau đó phải lập mục lục tất cả tài liệu tư liệu có trong kho, chuẩn bị cho việc bàn giao. Sau 6 tháng chúng tôi đã hoàn thành tất cả việc lập mục lục tài liệu, tư liệu có trong kho và hoàn thành tất cả các văn bản bàn giao.

Ngày 20/3/1986 tổ chức lễ bàn giao Kho Lưu trữ từ Thư viện quốc gia thuộc Bộ Văn hóa sang cho Cục Lưu trữ thuộc Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia quản lý. Tham dự lễ bàn giao có các đồng chí: Khâm-Chem, Thứ trưởng Bộ Văn hóa; đồng chí Pết-Vi-Chây, Thứ trưởng Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia; đồng chí Vụ trưởng Vụ Văn hóa quần chúng thuộc Bộ Văn hóa; đồng chí Vụ phó Vụ Văn hóa Giáo dục của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia; đồng chí Hoàng Du, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam, Trưởng đoàn Chuyên gia của Văn phòng Hội Đồng Bộ trưởng Việt Nam giúp Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia; các đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc Thư viện quốc gia Campuchia; đồng chí Sin-Khin, Cục phó; đồng chí Tchai-Văn-Nươơng, Trưởng Kho Lưu trữ thuộc Cục Lưu trữ Campuchia cùng toàn bộ cán bộ, công chức của Thư viện quốc gia và Cục Lưu trữ và tôi-Đinh Hữu Phượng, chuyên gia của Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam giúp Cục Lưu trữ Campuchia.

Trong lễ bàn giao đó, bốn đồng chí đã ký biên bản bàn giao, gồm có: hai đồng chí Thứ trưởng; đồng chí Vụ trưởng Vụ Văn hóa quần chúng của Bộ Văn Hóa và đồng chí Sin-Khin, Cục phó Cục Lưu trữ.

Đồng chí Pết-vi-chây, Thứ trưởng văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia phát biểu ý kiến, cảm ơn chuyên gia Việt Nam đã giúp đỡ tận tình để có được kết quả của lễ bàn giao hôm nay, biểu dương tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên hai cơ quan và giao nhiệm vụ cho Cục Lưu trữ phải bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ . Sau đó đến chuyên gia Việt Nam là tôi phát biểu ý kiến.

Kết thúc nhiệm kỳ công tác của tôi trong 6 tháng (từ 26/9/1985 – 25/3/1986), tôi đã giúp bạn hoàn thành công viêc điều tra, khảo sát để nắm nội dung, số liệu của tất cả tài liệu, tư liệu có trong kho để lập mục lục phục vụ cho việc bàn giao sau đó làm các văn bản ban giao và cuối cùng là tổ chức được Lễ Bàn giao Kho tài liệu lưu trữ do Thư viện quốc gia thuộc Bộ Văn hóa Campuchia quản lý sang cho Cục Lưu trữ thuộc Văn phòng Hội đồng Bộ Trưởng Campuchia quản lý, đúng như mô hình của ngành Lưu trữ Việt Nam.

Nhiệm kỳ công tác thứ hai của tôi kéo dài trong 3 tháng (từ 12/8/1986 – 11/11/1986), tôi đã hướng dẫn cho cán bộ của Kho xác định nội dung  cụ thể của từng hộp tài liệu, viết trich yếu nội dung bằng tiếng Pháp để lập mục lục của phông tài liệu Phủ Khâm sứ Campuchia (Résidence supérieure au Cambodge). Ngoài ra, tôi còn giúp bạn viết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Kho Lưu trữ, nội quy sử dụng tài liệu lưu trữ tại Phòng Đọc.

Trong hai nhiệm kỳ công tác của các chuyên gia Việt Nam: nhiệm kỳ đầu trong 6 tháng vào năm 1985, nhiệm kỳ thứ hai trong 3 tháng vào năm 1986, chúng tôi đã giúp bạn các công việc sau:

Đồng chí Võ Xuân Viên và Nguyễn Quốc Bảo đã mở được nhiều lớp đào tạo nghiệp vụ văn thư lưu trữ cho hầu hết cán bộ làm công tác văn thư lưu trữ của các Bộ, ngành ở trung ương ngay tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia và đi về một số tỉnh để mở lớp, như: Kampot, Kông pông som, Prey Vêng, Svay Riêng, Tà Keo…

Đối với công tác ở Kho Lưu trữ, tôi đã thực hiện được một số lượng công việc gồm:  thống kê, lập mục lục để nắm tất cả số liệu, nội dung của toàn bộ tài liệu, tư liệu trong kho, làm các văn bản bàn giao và tổ chức Lễ Bàn giao Kho Lưu trữ từ Thư viện quốc gia Bộ Văn hóa Campuchia sang cho Cục Lưu trữ Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia quản lý, đúng như mô hình của Ngành Lưu trữ Việt Nam. Ngoài ra, tôi cũng đã lên lớp tập huấn một số chuyên đề cho tất cả cán bộ, công chức của Kho, Cục Lưu trữ và cán bộ của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia, gồm có:  Những hiểu biết sơ lược về tổ chức của thực dân Pháp ở Đông Dương; Những kiến thức cơ bản về chỉnh lý, sắp xếp tài liệu tiếng Pháp theo cuốn sách “Cẩm nang của nhân viên lưu trữ” của Paul Boudet.

3

Các chuyên  gia của Cục Lưu trữ nhà nước Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ của Cục Lưu trữ Campuchia và Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng Campuchia tại lớp tập huấn về nghiệp vụ văn thư lưu trữ tại tỉnh Tà Keo ngày 5/9/1986

Ba chuyên gia đầu tiên của Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam giúp Campuchia về công tác lưu trữ là: Võ Xuân Viên, Nguyễn Quốc Bảo và Đinh Hữu Phượng đã được Thủ tướng Chính phủ trao tặng “Huy hiệu vì nghĩa vụ quốc tế” về thành tích “Giúp đỡ Cách mạng Campuchia trong giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1989”.

Sau ba chuyên gia đầu tiên, Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam lại cử tiếp hai chuyên gia là: đồng chí Nguyễn Hữu Thời giúp về công tác đào tạo và đồng chí Võ Văn Đàng, Trưởng Phân Kho tài liệu Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 giúp về công tác Kho Lưu trữ.

Sau khi các chuyên gia hoàn thành nhiệm kỳ công tác 6 tháng, về nước vào tháng 3/1986 thì quan hệ giữa ngành Lưu trữ của hai nươc vẫn duy trì quan hệ, cụ thể vào tháng 6/1986 đoàn cán bộ của Cục Lưu trữ Campuchia do đồng chí Sin-Khin dẫn đầu đã sang thăm Cục Lưu trữ Việt Nam để cảm ơn sự giúp đỡ của Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam về việc cử chuyên gia sang giúp Lưu trữ Campuchia, trao đổi quan hệ hợp tác về nghiệp vụ và đề nghị Cục Lưu trữ nhà nước tiếp tục cử chuyên gia sang giúp Campuchia trong 3 tháng nữa. Tháng 8/1986 tôi và đồng chí Viên lại sang công tác nhiệm kỳ lần thứ hai trong 3 tháng. Sau đó, các đồng chí nữ Cục trưởng kế nhiệm đồng chí Sin-Khin là Tchai-Văn Niêng, Lâm Ky cũng đã nhiều lần sang thăm và làm việc với Cục Lưu trữ Việt Nam.

Tháng 11/2012 đoàn cán bộ của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam do đồng chí Cục trưởng Vũ Thị Minh Hương dẫn đầu đã sang thăm và làm việc với Cục Lưu trữ Quốc gia Campuchia. Đoàn đã trao đổi một số vấn đề về quan hệ hợp tác giữa hai ngành Lưu trữ hai nước và tập huấn nghiệp vụ về chỉnh lý tài liệu lưu trữ tiếng Pháp của Kho Lưu trữ Campuchia.

Như vậy là ngành Lưu trữ Việt Nam đã có quan hệ hợp tác, giúp đỡ ngành Lưu trữ Campuchia từ năm 1985, nghĩa là từ 32 năm trước đây, các chuyên gia của Cục Lưu trữ Nhà nước Việt Nam đã âm thầm sát cánh cùng các đồng nghiệp Campuchia xây dựng, vun đắp cho tình hữu nghị, hợp tác của ngành lưu trữ hai nước ngày càng xanh tươi, tốt đẹp và bền vững.                                                                           

Đinh Hữu Phượng

Liên Hệ Phòng Đọc

891427 truy cập

217 trực tuyến

Liên kết Website