TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Chuyến về nguồn và ký ức về Kho Lưu trữ Trung ương những năm kháng chiến chống Mỹ

10:27 18/05/2018

Trong những ngày tháng năm lịch sử, ngày 11 tháng 5 năm 2018 Chi bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tổ chức chuyến về nguồn thăm lại xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, nơi cách đây trên 50 năm, Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng và Kho Lưu trữ Trung ương đã vận chuyển, sơ tán tài liệu lưu trữ quốc gia cùng cán bộ, viên chức về làm việc 20 năm trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ trên miền Bắc nước ta.

 “Theo nhau ta tìm về, thăm lại miền quê…” những câu hát và giai điệu trong bài hát “Về quê” của nhạc sỹ Phó Đức Phương cứ ngân vang trong đầu chúng tôi trong suốt chặng đường đi từ Hà Nội lên Tuyên Quang.

“Miền quê” mà các Đảng viên của Chi bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I chúng tôi tìm về hôm nay không phải là “nơi có một triền đê, với dòng sông bên lở, bên bồi..” mà là một vùng quê với  trùng điệp núi, rừng, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”,  nơi gắn bó bao kỷ niệm của các thế hệ cán bộ, viên chức của Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng và Kho Lưu trữ Trung ương thuộc Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng trong 20 năm từ 1964 đến khoảng 1984 của thời kỳ chống chiến tranh phá hoại ác liệt của không quân Mỹ trên miền Bắc nước ta. Nơi ấy là Xã Tuân Lộ, Huyện Sơn Dương, Tỉnh Tuyên Quang – Quê hương cách mạng.

Nơi ấy, các thế hệ cán bộ, viên chức của Cục Lưu trữ, Kho Lưu trữ Trung ương trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt đã ngày đêm âm thầm bảo vệ, nâng niu từng tập, từng hòm tài liệu của Đảng, của Nhà nước để đến hôm nay chúng ta vẫn còn nguyên vẹn cả một di sản tài liệu lưu trữ quý giá của dân tộc.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ đi ô tô, chúng tôi đã đến xã Tuân Lộ vào khoảng 10 giờ sáng ngày 11 tháng 5 năm 2018. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng uỷ, Hội Đồng nhân dân, Uỷ Ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đồng chí Đảng viên của Chi bộ Văn phòng Uỷ ban đã tề tựu đông đủ đón chúng tôi. Ai cũng rạng rỡ, tươi cười, niềm nở đón chào nhau như những người thân từ xa lâu ngày trở về.

anh1
Các Đảng viên Chi bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tại ngôi nhà sàn do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tặng cho xã Tuân Lộ vào năm 2007 

Chúng tôi được các đồng chí Đảng ủy xã Tuân Lộ mời lên ngôi nhà sàn trong UBND xã Tuân Lộ. Ngôi nhà sàn này do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tặng cho nhân dân xã Tuân Lộ vào năm 2007 để tỏ lòng tri ân Đảng bộ và bà con nhân dân xã đã cưu mang, đùm bọc cán bộ, viên chức của Cục Lưu trữ trong những năm chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ.

Trong căn nhà sàn đã diễn ra cuộc giao lưu giữa đoàn của Chi bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và các đồng chí lãnh đạo Đảng Uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ Ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đồng chí Đảng viên của Chi bộ Văn Phòng Uỷ ban  xã Tuân Lộ.

Đồng chí Trần Thị Mai Hương, Giám đốc, Bí thư Chi bộ Trung tâm Lưu trữ quôc gia I báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đồng chỉ Đảng viên của Chi bộ Văn phòng Uỷ ban về các hoạt động, những thành tích đã đạt được của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Chi Bộ Trung tâm trong những năm vừa qua.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I luôn giữ được vị thế “anh cả” trong các Trung tâm Lưu trữ thuộc Cục Lưu trữ. Hàng năm, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đều đạt danh hiệu đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì và Huân chương Độc lâp hạng nhất; Chi Bộ Trung tâm luôn được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Công tác phát huy giá trị tài liệu đã được Trung tâm rất quan tâm, đã mở nhiều cuộc trưng bày, triển lãm tài liệu lưu trữ ở trong và ngoài cơ quan. Khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn đã được tổ chức UNESCO công nhận là  “Di sản tư liệu thế giới”.

Tại buổi giao lưu sinh hoạt Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Tụng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Tuân Lộ đã báo cáo khái quát về các mặt kinh tế, xã hội của xã. Xã Tuân Lộ nằm ở phía Đông Nam huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang, cách huyện lỵ Sơn Dương 17 km về phía Nam. Địa hình xã  thuộc vùng thấp, chủ yếu là đồi núi đá, có diện tích 2.682 ha, dân số có: 1.192 hộ dân với 4812 nhân khẩu (tính đến năm 2010). Xã có10 dân tộc anh em, gồm có : Kinh, Dao, Tày, Cao Lan, Xán Rìu, Hoa, Nùng, Thái, Mường, La Chí  cùng chung sống tại 17 thôn, bản, như: Trại Đát, Ba Quanh, Bẫu, Tân Tiến, Vực Lửng, Móc Ròm… Đảng bộ xã tính đến năm 2010 có tổng số 170 đảng viên sinh hoạt tại 21 Chi bộ. Trong sản xuất ngoài cây lúa trồng ở các chân ruộng thấp nhân dân còn  trồng các loại cây khác như: ngô, khoai, sắn, lạc, mía…Trên núi có rất nhiều loại cây lấy gỗ quý, như: Đinh, Lim, Sến, Táu… Đời sống của nhân dân đã được cải thiện nhiều, nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu, an ninh, chính trị được giữ vững…

Sau buổi sinh hoạt Đảng, đoàn chúng tôi được các đồng chí Đảng ủy xã Tuân Lộ dẫn đi thăm lại khu vực sơ tán của Cục Lưu trữ và Kho Lưu trữ Phủ Thủ tướng trước đây.

anh2

Các Đảng viên Chi bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tại cửa Hang Dơi làng Lầm, nơi sơ tán của của Cục Lưu trữ và Kho Lưu trữ Phủ Thủ tướng những năm kháng chiến chống Mĩ

Chúng tôi đi vào trong hang núi, nơi này cách đây trên 50 năm là Kho cất giữ tài liệu lưu trữ của Cục Lưu trữ và một số Cơ quan Trung ương trong cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ trên miền Bắc nước ta. Hiện nay Kho đã không còn nữa, chỉ còn hang núi với một chút ít tường xây, di tích của kho năm xưa.

anh3anh4

Đội tự vệ của Kho Lưu trữ Trung ương trong những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ trên miền Bắc

Cán bộ viên chức của Kho Lưu trữ Trung ương đào hầm trú ẩn nơi sơ tán

 

Lòng tôi bồi hồi, xao xuyến nhớ lại nơi đây, năm xưa chúng tôi đã sống, làm việc, bảo vệ kho tài liệu lưu trữ của Nhà nuớc trong những năm, tháng ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ…

Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ ngày 05/8/1964, Đế quốc Mỹ bắt đầu điên cuồng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc nước ta với hình thức chiến tranh phá hoại bằng máy bay. Nhiều thành phố, làng mạc, các khu công nghiệp bị máy bay Mỹ dội bom bắn phá tan hoang…

Thời kỳ này nhân dân và các cơ quan, các trường phổ thông và đại học ở các thành phố, thị xã đều sơ tán về các vùng nông thôn, rừng núi.

Ngày 02/4/1964 Phủ Thủ Tướng ban hành Chỉ thị số 24-TTg về công tác phòng không nhân dân, trong đó nêu rõ: “Đối với hồ sơ, tài liệu các cơ quan phải tiến hành phân loại và có kế hoạch bảo vệ chu đáo”. Tiếp đó, ngày 08/6/1964 Hội đồng Chính phủ ban hành nghị quyết số 100-CP về công tác phòng không, sơ tán, nêu rõ: “Về việc bảo quản tài liệu: các Cơ quan, Xí nghiệp có trách nhiệm phân loại, lưu trữ và có biện pháp bảo vệ chu đáo các tài liệu quý… Cục Lưu trữ Phủ Thủ tuớng có trách nhiệm hướng dẫn việc phân loại tài liệu và đề ra nội quy, chế độ bảo vệ tài liệu lúc bình thường cũng như lúc có báo động”

Ngày 22/6/1964 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 95/LT-Tm với các nội dung:

1.“Xây dựng một kho lưu trữ tại địa điểm mật ở Việt Bắc để sơ tán tài liệu lưu trữ của Trung ương Đảng và Chính phủ, các cơ quan nhà nước và Đoàn thể nhân dân của Trung ương và Hà Nội”;

2.“Khu vực gồm 3000 m2 kho kiên cố, 2 nhà ở cho cán bộ, nhân viên và công an bảo vệ trong khoảng 10 năm. Các kho này xây cất phải dựa vào điều kiện thiên nhiên để đề phòng oanh tạc, phòng biệt kích, có thiết bị phòng chống cháy, mối mọt, ẩm ướt và trang bị để bảo vệ theo tiêu chuẩn tối thiếu”;

3.“Kinh phí xây dựng, trang bị và chuyên dùng cho công trình này đợt đầu cho năm 1964 được cấp là 500.000 đồng do Bộ Trưởng Phủ Thủ tướng quản lý”;

4.“Bộ trưởng Phủ Thủ tướng chịu trách nhiệm chính trong việc thi hành với sự giúp đỡ của Bộ Kiến trúc (về thiết kế, thi công), Bộ Giao thông (về vận chuyển), Bộ Quốc phòng và Công an Nhân dân vũ trang (về bảo vệ, phòng gian), Văn phòng công nghiệp Phủ Thủ tướng (về phân phối vật liệu và thiết bị), UBHC địa phuơng (giúp về mặt nhân lực và bảo vệ thường xuyên), Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp”.

Chấp hành các văn bản chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ, Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng đã đi tìm địa điểm để xây dựng kho sơ tán, bảo vệ tài liệu.

Lãnh đạo của Cục Lưu trữ lên Tuyên Quang được Tỉnh uỷ giới thiệu là nên về vùng hạ huyện Sơn Dương, vùng này có một số hang núi, đường giao thông cũng thuận lợi, nhân dân rất tốt. Sau khi khảo sát cụ thể địa điểm, Cục Lưu trữ đã tìm được khu vực Hang Dơi thuộc Xã Tuân Lộ, Huyện Sơn Dương để xây dựng Kho sơ tán, bảo vệ tài liệu (Hang Dơi là tên do nhân dân địa phương đặt vì trong hang có rất nhiều dơi sinh sống, vào trong nghe ào áo như bão).

Đến khoảng tháng 7/1964 công trường xây dựng công trình Kho sơ tán đã được tiến hành, lấy tên là Công trường 105. Khoảng cuối năm 1966 thì Kho được xây dựng xong. Tất cả công nhân xây dựng kho đều phải được Bộ Công an xem sét kỹ lưỡng về lý lịch, phẩm chất đạo đức.

Sau khi hoàn thành việc xây dựng kho, công việc vận chuyển tài liệu từ Hà Nội lên được tiến hành khẩn trương nhưng rất nghiêm ngặt và cẩn trọng, những nguời đi theo áp tải tài liệu cũng được lựa chọn cẩn thận, bảo đảm về mặt lý lịch và phải thông qua Bộ Công an xem sét.

Tài liệu được vận chuyển bằng ô tô xuống tàu thuỷ  ở Bến Phà đen của Hà Nội lên bến Bình Ca (trên sông Lô của tỉnh Tuyên Quang) sau đó chở bằng ô tô theo đường về Sơn Dương rồi về Kho K.5, nơi sơ tán tài liệu thuộc xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Tất cả công việc chuyển tài liệu lên ô tô, chuyển vào kho để xếp lên giá đều do cán bộ, nhân viên của kho vác trên vai, cõng trên lưng. Mỗi chuyến tàu chở tài liệu ngoài cán bộ của Cục Lưu trữ còn có các đồng chí Công an vũ trang mang theo súng để bảo vệ (tất cả những nguời đi theo áp tải tài liệu đều được chọn lựa kỹ về lý lịch, phẩm chất đạo đức (phải thông qua Bộ Công an).

Sau khi hoàn thành việc vận chuyển tài liệu lên Kho sơ tán thì cán bộ, viên chức của Cục, Kho Lưu trữ TW cũng lên làm việc, sinh sống tại đây.

Cơ sở vật chất cụ thể và thực tế của Kho và khu vực bên ngoài Kho gồm có:

– Nhà kho được xây dựng kiên cố trong hang núi với 6 tầng, cửa ra vào bằng sắt rất dày, nặng, chắc chắn, trong kho có giá bằng gỗ tốt để tài liệu, có điện chạy bằng máy phát điện bên ngoài kho để đảm bảo ánh sáng làm việc và chạy máy điều hoà để bảo vệ tài liệu không bị ẩm, mốc;

– Bên ngoài cửa Kho xây một nhà nhỏ làm nơi hội họp (Đoàn thanh niên đã tổ chức Hội nghị Khoa học tại đây);

– Một chòi canh có chiến sỹ công an thay phiên nhau bồng súng gác suốt ngày đêm;

– Khu ngoài cùng trước khi vào khu vực Kho, gần đường là khu nhà ở của đơn vị công an vũ trang bảo vệ Kho;

– Khu nhà ở của cán bộ, viên chức độc thân,  gồm có: ba dãy nhà xây, mái lợp fibrociment lưng dựa vào vách núi theo hình chữ U;

– Một nhà để xe ô tô;

– Một bếp ăn tập thể mái vòm quay mặt đối diện với khu nhà ở;

– Một nhà trẻ, một nhà để máy phát điện.

Tất cả cán bộ độc thân đều ăn bếp ăn tập thể do bác Thanh – vợ bác Diệm nấu ăn. Thực phẩm phải đi chợ Bâm mua (cách Kho gần 15 km một tuần mới họp một phiên) vì thế anh em đã trồng rau, nuôi gà để hỗ trợ cho bếp ăn.

Khu  nhà ở cho các gia đình ở phía trong, gần suối (gia đình các bác: Viên-Thược, Diệm-Thanh, Ngân-Dung-bố mẹ đẻ của Chị Ngần đều ở đây và nhiều gia đình khác…).

Hàng ngày đến giờ làm việc tất cả mọi người đều vào trong kho làm việc, trước khi vào kho đều phải ghi tên đăng ký vào một cuốn sổ để ngoài cửa kho. Hết giờ làm việc thanh niên thì chơi thể thao gồm có bóng chuyền, bóng bàn, các gia đình thì tăng gia: trồng rau, ngô, khoai, mía để chưng cất mật.

Ngoài giờ làm việc, cơ quan còn tổ chức các lớp dạy ngoại ngữ, gồm: tiếng Pháp, tiếng Đức (Bác Hiệu dạy tiếng Đức, Bác Hoàng Gioong và tôi dạy tiếng Pháp), hai lớp bổ túc văn hoá cho các anh, chị em người dân tộc chưa có điều kiện học trước khi vào làm việc ở cơ quan.

Chi đoàn thanh niên hoạt động rất tích cực, đã từng tổ chức sinh hoạt Hội nghị Khoa học nghiệp vụ, là nòng cốt dạy bổ túc văn hoá, lúc đó chúng tôi còn tuổi đoàn đều trở thành các thày dạy các lớp bổ túc văn hoá.

Tiểu đội tự vệ thường xuyên luyện tập, đã tham gia cùng với lực luợng tự vệ của xã Tuân Lộ vây bắt tên đại tá phi công Mỹ khi máy bay của hắn bị lực lượng phòng không của ta bắn cháy rơi tại khu vực núi Bàu thuộc địa phận xã Tuân Lộ.

Hầu hết tài liệu của Kho ở 31B Tràng Thi bao gồm tài liệu Trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã được di chuyển lên Kho sơ tán. Đi theo tài liệu là các cán bộ làm nghiệp vụ, các bộ phận hành chính. Một số tài liệu và cán bộ vẫn ở lại Hà Nội để phục vụ các nhu cầu nghiên cứu, sử dụng tài liệu của các nhà nghiên cứu.

Năm 1972 máy bay Mỹ bắn phá Hà Nội, một lần nữa Cục và Kho Lưu trữ Trung ương lại di chuyển gần như toàn bộ tài liệu còn lại ở Hà Nội lên Kho sơ tán. Hồi đó cứ sẩm tối tài liệu được chuyển lên ô tô, phủ kín bạt rồi di chuyển trong đêm lên Kho sơ tán.

Năm 1972, sau khi Hiệp đinh Paris được ký kết, đến khoảng năm 1973 thì gần như hầu hết cán bộ, viên chức được rút về Hà Nội làm việc, tài liệu về cơ bản vẫn để trên Kho sơ tán vì vậy cán bộ của Kho vẫn thường xuyên lên kiểm tra tình hình tài liệu và chuyển tài liệu về Hà Nội để chỉnh lý.

Đến năm 1984 Cục Lưu trữ chủ trương rút toàn bộ tài liệu về Hà Nội, Kho bàn giao lại cho địa phương, kết thúc giai đoạn sơ tán, bảo vệ tài liệu khó khăn, gian khổ trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ bằng không quân ở Miền Bắc nước ta.

Hơn 50 năm đã trôi qua đánh dấu một thời kỳ khó khăn gian khổ của cán bộ, nhân viên của Cục Lưu trữ, Kho Lưu trữ Trung ương trong những năm tháng chiến tranh.       

Những lớp người của thế hệ trước chúng tôi, cùng thế hệ chúng tôi đã đóng góp không những trí tuệ mà còn cả sức lao động nặng nhọc, vất vả để bảo vệ, giữ gìn   khối tài liệu lưu trữ, di sản của dân tộc. Đó chính là niềm vinh dự mà chúng tôi đã may mắn có được cơ hội để đóng góp.

Các thế hệ nối tiếp đã kế thừa truyền thống một cách xuất sắc, đã làm những công việc mà thế hệ chúng tôi chưa làm được về công tác phát huy giá trị của tài liệu, đã làm cho cả nước, cả thế giới biết đến giá trị của di sản tài liệu lưu trữ Việt Nam ./.

 

Tài liệu tham khảo

Vũ Dương Hoan, Ngành Lưu trữ với việc bảo vệ tài liệu trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của Mỹ, Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam, số 02-2001

 

ĐINH HỮU PHƯỢNG

Nguyên Bí thư Chi bộ TTLTQGI các nhiệm kỳ: 1995-2003, 2006-2008

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Liên Hệ Phòng Đọc

911948 truy cập

44 trực tuyến

Liên kết Website