TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Châu bản triều Nguyễn về danh tướng Trần Văn Năng

10:22 10/01/2019

Hai châu bản mà chúng tôi giới thiệu ở đây là tài liệu quý, liên quan trực tiếp đến tướng Trần Văn Năng. Tờ tấu khi ông đang lãnh Phó Tổng trấn thành Gia Định cho thấy trong thời điểm ấy, ông phải gánh vác nhiều trọng trách nặng nề: vừa phải huy động dân binh đắp thành, vừa phải tiến hành đào kênh Vĩnh Tế. Từ đó cũng cho thấy công lao đóng góp của ông đối với con kênh Vĩnh Tế chiến lược. Tờ tấu thứ hai của tướng Nguyễn Văn Trọng là một tài liệu đặc biệt quan trọng giúp xác định chính xác thời điểm mất của tướng Trần Văn Năng.

Tướng quân Trần Văn Năng (1763 – 1834) là một danh tướng có nhiều công lao đóng góp trong việc bảo vệ bờ cõi vùng đất phía Nam. Cụ thể là trong cuộc chiến chống quân Xiêm xâm lược theo chân Lê Văn Khôi vào năm 1833. Trước tình thế Nam Kỳ đã bị quân phiến loạn làm chủ, quân Xiêm chia quân thành 5 ngả tiến đánh Đại Nam, vua Minh Mạng đã phong cho Lương Tài hầu Trần Văn Năng làm Bình Khấu Tướng quân, thống lãnh đại quân cùng với Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Phạm Hữu Tâm, Tống Phước Lương vào Nam dẹp giặc. Quan binh dưới quyền thống suất của Trần Văn Năng đã dần lấy lại các tỉnh thành bị giặc chiếm, đại quân tiến thẳng qua giải phóng thành Nam Vang (Phnôm-Pênh).

Do tuổi già lại phải nhiều năm chinh chiến nên sau khi chiếm được Nam Vang ít lâu, tướng Trần Văn Năng lâm trọng bệnh, phải giao binh quyền lại cho Trương Minh Giảng để về nước chữa bệnh, thuyền đến bến Siêu, Cù Lao Tây (nay thuộc huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) thì ông mất. Quan binh tạm quàn linh cữu ông ở đây và tấu báo về triều. Vua Minh Mạng thương tiếc truyền di quan về kinh đô Huế an táng. Hôm an táng cho tế một tuần, vua thân làm bài thơ để viếng. Khi đám tang đến kinh, vua sai Hoàng tử Thọ Xuân đến chỗ nhà đám tuyên chỉ và ban cho ba nậm rượu. Vua truy phong cho ông làm Thái phó, tấn phong Tân Thành Quận công, ban cho tên thụy là Trung Dũng.

Tướng Trần Văn Năng là một vị trọng thần đầu triều Nguyễn, từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong quân đội như: quản 5 dinh quân Thần Sách, Phó tổng trấn thành Gia Định, Chưởng Dinh, Tiền quân Đô thống phủ Chưởng phủ sự… Các tài liệu sử sách viết liên quan đến ông rất nhiều, đặc biệt là trong khối Châu bản triều Nguyễn[1]. Tiếc rằng các tài liệu quý giá ấy chưa được khai thác đúng mức, nhiều châu bản quan trọng, liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp, hậu duệ của ông vẫn chưa được giới nghiên cứu tiếp cận, sử dụng. Do đó, việc đánh giá về công trạng, cũng như những sự thật về ông đến nay vẫn chưa được sáng tỏ hoàn toàn.

Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu hai trong số các châu bản liên quan đến tướng quân Trần Văn Năng, qua đó có thể cung cấp cho giới nghiên cứu nhiều thông tin quan trọng, giá trị.

Châu bản Minh Mạng, tập 8, tờ số 22: Châu bản này là tờ tấu của Trần Văn Năng lúc này đang là Phó Tổng trấn thành Gia Định, báo cáo tình hình vào tháng 11 năm trước (1823) điều động dân binh vận chuyển đá ong để xây thành, tuy nhiên ý vua Minh Mạng thấy vấn đề đào kênh Vĩnh Tế[2] mang tính chiến lược hơn nên ưu tiên cho việc đào kênh, Trần Văn Năng thấy đề xuất của mình không phù hợp nên dâng tấu xin chịu tội.

Tran Van Nang 001

Châu bản Minh Mạng tập 8, tờ 22 – Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Dịch trích yếu nội dung:

Phó tổng trấn thành Gia Định Trần Văn Năng kính tâu: Nguyên do là vào mùa đông tháng 11 năm trước thần là Trần Văn Năng có làm tờ biểu tâu về việc đắp thành còn khó khăn trong việc vận chuyển đá chưa thể giải quyết ổn thoả. Sao đó vào tháng 12 được thượng dụ:

“Chuẩn y cho chúng thần sức cho các quan trấn điều động binh đinh các cơ quê ở thành hạt, binh đồn Uy Viễn, các đồn điền và dân phu ở 5 trấn Phiên An, Biên Hoà, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên, mùa xuân năm nay khởi công tiếp tục đào đường sông Vĩnh Tế.”

Chúng thần nhất thời sai lầm có ý kiến muốn lưu binh lính, dân phu thuộc 2 trấn Phiên An và Biên Hoà vận chuyển đá ong để chuẩn bị cho việc xây thành, bèn góp lời cùng nhau mạo muội trình xin. Nay được thượng dụ:

“Việc đào đường sông Vĩnh Tế liên quan đến kế sách của cả nước. Vậy thì công việc đào sông và công việc xây đắp thành việc nào khẩn cấp hơn. Hai việc cùng tiến hành, sức lực cần nhiều ắt dẫn đến khó khăn.”

Chúng thần chỉ vì 2 việc cùng khởi công mà đề xuất ý kiến, trù liệu làm việc không tính đến việc nào hoãn việc nào lấy nên làm việc sai lầm như vậy, tội đáng phải phạt gậy.

Phó Tổng trấn, thần Trần Văn Năng

Lãnh Hộ tào, thần Nguyễn Xuân Thục

Lãnh Hình tào, thần Nguyễn Hựu Nghi

Lãnh Binh Công nhị tào, thần Trần Văn Tuân

Ngày 24 tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 5 (1824)

ấn: Gia Định Thành Tổng Trấn Chi Ấn

Châu phê: Đã biết, khâm thử! (ấn: Ngự Tiền Chi Bảo)

– Châu bản Minh Mạng, tập 52, tờ số 228: Đây là tờ tấu của Thảo Nghịch Hữu Tướng quân Nguyễn Văn Trọng tâu báo việc chọn ngày 24 tháng 2 làm lễ tế tướng Trần Văn Năng – vừa mới mất tại quân thứ Gia Định, theo tờ dụ của vua Minh Mạng.

Tran Van Nang 002

Châu bản Minh Mạng tập 52, tờ 228 –  Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Dịch trích yếu nội dung:

Thần Nguyễn Văn Trọng tâu: Ngày 18 tháng này, nhận được tờ cung lục của bộ Lễ, vâng Thượng dụ, trong đó có khoản:

“Bình Khấu tướng quân Lương Tài hầu Trần Văn Năng là tướng của triều trước, nhiều năm vất vả ở ngoài lập nhiều chiến công. Lâu năm giúp ta cũng vẫn kính cẩn giữ lòng trung hậu, nết tốt không đổi. Trước đây khâm sai coi việc quân, lại hay đem lòng địch khái, khích lệ quân sĩ, nhiều lần dâng được công to. Nay giặc Xiêm hiện đã dẹp yên, mầm giặc Phiên An chẳng mấy ngày nữa sẽ bị bắt. Công lớn sắp làm xong. Nhân vì khó nhọc chồng chất, mắc thành bệnh mà mất. Nay nghe đã qua đời, thật là đau xót. Kể từ ngày hôm nay trở đi, bãi triều ba ngày, truy tặng Thái Phó, gia phong Tân Thành quận công. Quan quách của viên ấy hiện ở quân thứ Gia Định, giao cho Nguyễn Văn Trọng tuyên dụ làm lễ tế một lần.

Kính vâng chỉ, xin chọn ngày tốt, lấy ngày 24 tháng này đến tế và các khoản tế phẩm chuẩn bị đầy đủ trước, đặt trước linh vị viên ấy, đến lúc sáng sớm đúng ngày thần vâng tuyên dụ đến tế.

Thần Nguyễn Văn Trọng

Ngày 25 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 15 (Dương lịch ngày 3/4/1834)

ấn: Thảo Nghịch Tả Tướng Quân Chi Ấn

(tờ tấu đến ngày mùng 8 tháng 3)

Phụng chỉ: Đã biết.

Một số nhận định

Hai châu bản mà chúng tôi vừa giới thiệu là tài liệu quý, liên quan trực tiếp đến tướng Trần Văn Năng.

Tờ tấu khi ông đang lãnh Phó Tổng trấn thành Gia Định cho thấy trong thời điểm ấy, ông phải gánh vác nhiều trọng trách nặng nề: vừa phải huy động dân binh đắp thành, vừa phải tiến hành đào kênh Vĩnh Tế. Từ đó cũng cho thấy công lao đóng góp của ông đối với con kênh Vĩnh Tế chiến lược.

Tờ tấu thứ hai của tướng Nguyễn Văn Trọng là một tài liệu đặc biệt quan trọng giúp xác định chính xác thời điểm mất của tướng Trần Văn Năng. Trước đây, các tài liệu viết về ông đều căn cứ theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện cho rằng ông mất vào năm Minh Mạng thứ 16 (1835)[3]. Tuy nhiên, căn cứ vào châu bản này có thể khẳng định Lương Tài hầu Trần Văn Năng mất vào tháng 2 (âm lịch) năm Minh mạng thứ 15 (1834) và thông tin trong sách Đại Nam Liệt Truyện là nhầm lẫn.  

Tran Van Nang 003

Đền thờ Thái Phó Tân Thành Quận Công Trần Văn Năng tại huyện Thanh Bình, Đồng Tháp – Ảnh Thanh Thuận

Ngày nay, tại xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp (nơi xưa tạm quàn linh cữu tướng Trần Văn Năng) có ngôi đền thờ Tân Thành Quận công khá bề thế – dân gian gọi là Dinh ông Đốc Vàng,  lễ cúng hàng năm vào 14 – 15 – 16 tháng 2 âm lịch (ngày giỗ của ông) có đến hàng vạn người từ khắp nơi đến chiêm bái. Di tích đã được Bộ Văn hóa công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 2004. Thiết nghĩ, các tài liệu có liên quan đến tướng Trần Văn Năng – nhất là tài liệu châu bản nếu được trưng bày tại ngôi đền thờ này sẽ giúp chính quyền và nhân dân hiểu rõ hơn về ông và góp phần phát huy hơn nữa giá trị của di tích.

Chú thích:

[1]Châu bản: là các văn bản hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802 – 1945), bao gồm văn bản do các Hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên Hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao.

[2] Kênh Vĩnh Tế: nằm tại địa phận hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia. Khởi đào năm 1819 đến năm 1824 thì hoàn thành. Đây là con kênh đào lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời quân chủ.

[3] Đại Nam Liệt Truyện, sđd. tr. 296.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp – Hội KHLS (2015), Đồng Tháp Nhân Vật Chí, Nxb Trẻ.

2. Quốc sử quán Triều Nguyễn (2005), Đại Nam liệt truyện tập 3. Viện Sử học Việt Nam – Nxb Thuận Hóa, Huế

3. Quốc sử quán Triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập1-2-3. Nxb Giáo Dục.

MỸ TRÀ

Liên Hệ Phòng Đọc

899126 truy cập

705 trực tuyến

Liên kết Website