TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Châu bản triều Nguyễn tại triển lãm “Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam”

9:54 14/06/2016

Triển lãm “Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp các đơn vị quản lý di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam tổ chức khai mạc vào sáng 16/5/2016 tại Đại Nội – Huế  giới thiệu một cách tổng quan giá trị của bốn di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam, trong đó có Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Hưởng ứng Hội nghị của Đại hội đồng Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP) được tổ chức tại Huế từ ngày 18/5/2016 đến 21/5/2016, sáng 16/5/2016, tại Trường lang Tử Cấm Thành (Đại Nội – Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp các đơn vị quản lý di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm với chủ đề “Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam”.

Triển lãm lần này giới thiệu một cách tổng quan về giá trị của bốn di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam, gồm: Mộc bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV; Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê – Mạc (1442-1779) do Trung tâm VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám quản lý; Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang quản lý; Châu bản triều Nguyễn hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Ban tổ chức giới thiệu thêm ba “di sản tiềm năng” đệ trình UNESCO công nhận là Di sản tư liệu vào năm 2016, gồm: Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý; Mộc bản Phật giáo Huế do Trung tâm Phật giáo Liễu Quán Huế quản lý; Mộc bản trường Phúc Giang hiện đang được lưu giữ, bảo quản tại nhà thờ Nguyễn Huy Tự (xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Châu bản là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến ở Việt Nam. Châu bản chứa đựng nhiều thông tin phong phú phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người ở Việt Nam thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 cũng như mối quan hệ bang giao của triều Nguyễn với nhiều quốc gia trên thế giới.

Châu bản triều Nguyễn hiện nay là một trong các sưu tập tài liệu quý hiếm đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ. Với những giá trị đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về hình thức và nội dung như tính độc đáo, xác thực, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế… Châu bản triều Nguyễn đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tháng 5 năm 2014. Triển lãm “Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam” với 15 pano giới thiệu về các giá trị của Châu bản:

1. Ngự phê – Tính độc đáo của Châu bản triều Nguyễn

Ngự phê trên Châu bản là “bộ sưu tập thư pháp thảo thư của các Hoàng đế nhà Nguyễn” với những nét chữ thảo khoáng đạt, đạt đến tính thẩm mỹ cao trong lối thể hiện thư pháp của người xưa. Châu bản được các Hoàng đế triều Nguyễn phê duyệt trên văn bản bằng mực son đỏ. Bút phê của các hoàng đế thể hiện ý chí, quyền lực của nhà vua đối với mọi vấn đề của đất nước. Ngự phê trên Châu bản gồm các hình thức như: Châu điểm là một nét son do nhà vua chấm lên đầu văn bản hoặc một vấn đề thể hiện sự đồng ý; Châu phê là những chữ, một câu hoặc một đoạn văn do đích thân nhà vua viết, có thể ở đầu, ở cuối hoặc chen vào giữa các dòng trên văn bản thể hiện quan điểm hoặc cho ý kiến chỉ đạo; Châu khuyên là vòng son được nhà vua khuyên lên điều khoản, tên người hoặc vấn đề được chấp thuận; Châu mạt là nét son nhà vua phết lên những chỗ không chấp thuận hoặc chấp thuận; Châu sổ là nét son được gạch sổ trực tiếp lên những chữ cần sửa chữa hoặc không được chấp thuận; Châu cải là chữ, câu, đoạn viết bên cạnh những chữ đã sổ bỏ nhằm sửa lại hoặc thể hiện quan điểm của nhà vua.

2. Ấn chương – Tính xác thực của Châu bản triều Nguyễn

Ấn chương là loại hình con dấu và hình dấu dùng để đóng trên văn bản, khẳng định tính xác thực và tính pháp lý của văn bản. Chế độ văn thư triều Nguyễn quy định rất chặt chẽ về việc quản lí và sử dụng con dấu trong việc bản hành văn bản. Ấn chương trên Châu bản triều Nguyễn gồm các loại như: Kim bảo tỷ là loại ấn của hoàng đế dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại; Ấn là ấn lớn của các cơ quan từ trung ương đến địa phương và trong quân đội một số tướng lĩnh cũng sử dụng loại ấn này; Kiềm ấn là ấn nhỏ, dùng đóng giáp trang và các vị trí quan trọng trên văn bản của các cơ quan, đi liền cặp với ấn lớn của cơ quan và quan phòng lớn của các quan chức lãnh đạo, thường gọi là bộ ấn kiềm; Chương và Tín chương là ấn dùng cho quan đứng đầu cấp doanh, trấn, đạo và một số đơn vị chức vụ tương đương tồn tại từ trước đời Vua Gia Long đến Vua Minh Mệnh thứ 13 (1802-1832); Quan phòng là ấn chức vụ của các quan chức, tướng lĩnh, thường gọi là quan phòng chức vụ; Đồ ký là ấn dùng cho các quan phụ trách phủ, phụ trách giáo dục ở phủ, huyện hay trưởng các ty, sở và sĩ quan đứng đầu các vệ, cơ, thuyền của quân đội; Kiềm ký là ấn dùng cho chức chỉ huy ở cửa thành, cửa khẩu, cửa biển, đồn trạm; Tín ký là ấn riêng cho tất cả các quan viên, văn, võ trong triều ngoài kinh từ đại thần, vương công đến hàng bát, cửu phẩm;là loại ấn nhỏ dùng cho các lại thuộc ở cơ quan như thư lại, vị nhập lưu thư lại, những người chưa có phẩm hàm hoặc phẩm hàm thuộc hàng thấp nhất.

Anh - 3- Tinh doc daoAnh - 4- An Chuong - tinh xac thucAnh - 5 - Chau ban - Da dang chu viet

Một số pano trưng bày tại Triển lãm “Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam”

3. Châu bản – Bằng chứng lịch sử và pháp lí khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam

 Từ thế kỷ XVII – XIX, các triều đại phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền biển đảo đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Dưới thời chúa Nguyễn (1558 – 1771), nhà nước đã tổ chức đội Hoàng Sa để quản lý và khai thác đối với hai quần đảo này. Quan quân tham gia vào đội Hoàng Sa đều được qua tuyển chọn, được miễn sưu thuế, được hưởng các chế độ đãi ngộ của triều đình. Về sau, nhà nước còn lập thêm đội Bắc Hải do đội Hoàng Sa kiêm quản. Nhiệm vụ của đội Hoàng Sa và Bắc Hải là thu lượm sản vật từ các tàu đắm, khai thác hải sản quý từ vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sang triều Tây Sơn (1778-1802) rồi sau này là triều Nguyễn (1802-1945), đội Hoàng Sa và Bắc Hải vẫn tiếp tục các hoạt động nói trên, đồng thời còn đảm trách việc ghi chép thủy trình, tiến hành cứu nạn tại vùng biển Hoàng Sa. Liên tục các năm 1833 – 1836, Hoàng đế Minh Mạng (1820-1840) đã nhiều lần lệnh cho Bộ Công phái người ra quần đảo Hoàng Sa vẽ bản đồ, xây đền, trồng cây, dựng bia chủ quyền… Như vậy, từ thời chúa Nguyễn qua triều Tây Sơn đến thời các vua Nguyễn, hoạt động quản lý và khai thác của nhà nước quân chủ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa diễn ra liên tục và ngày càng xúc tiến mạnh mẽ; những hoạt động này đã được ghi nhận qua các văn bản nhà nước, tập hợp trong Châu bản triều Nguyễn.

4. Châu bản – Nguồn sử liệu gốc biên soạn chính sử triều Nguyễn

 Trong kho tàng tư liệu về triều Nguyễn, các bộ sách chính sử là một nguồn tư liệu quý, xác đáng để hậu thế tìm hiểu và tra cứu. Trải qua thời gian, những biến cố của chiến tranh cùng thời tiết khắc nghiệt nên nguồn tư liệu này bị thất thoát nhiều. Tuy nhiên, những bộ sách được biên soạn từ Châu bản – nguồn tư liệu gốc như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Quốc triều chính biên toát yếu, Minh Mệnh chính yếu… cung cấp khá đầy đủ, toàn diện thông tin về các mặt tổ chức hành chính, chính quyền, bang giao, kinh tế, luật pháp và văn hóa, giáo dục dưới triều Nguyễn.

5. Châu bản – Dấu ấn ngoại giao triều Nguyễn

 Trong suốt 143 năm trị vì, nhà Nguyễn (1802-1945) đã thi hành chính sách ngoại giao nhằm mục đích mở mang bờ cõi quốc gia và bảo vệ đất nước. Với các quốc gia láng giềng về phía Tây và Tây Nam, nhà Nguyễn thi hành chính sách triều cống và bảo hộ. Với Trung Quốc, chính sách ngoại giao xuyên suốt của nhà Nguyễn là linh hoạt. Với các nước phương Tây, nhà Nguyễn thể hiện sự kỳ thị và chủ trương “đóng cửa” vì lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia. Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn và thời điểm mà đối sách của nhà Nguyễn với các quốc gia bên ngoài được thực thi khác nhau. Bản kê lễ phẩm của Quốc vương Xiêm La tặng vua Nguyễn, bản chiếu về việc thay người bảo hộ ở Cao Miên, bản tấu của Bộ Lễ về các đoàn đi sứ sang Trung Quốc, bản tấu của các viên quan triều đình, hoàng tộc về các điều khoản trong các văn bản ký kết giữa triều đình Nguyễn với nước Pháp… được tập hợp trong Châu bản là dấu ấn rõ nét về đường lối ngoại giao của triều Nguyễn.

6. Châu bản – Dấu ấn ngoại thương triều Nguyễn

 Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn thống nhất đất nước, là điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế trong đó có ngành ngoại thương phục hồi và tái phát triển. Khác với các triều đại trước, nhà Nguyễn nắm độc quyền ngoại thương và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán với bên ngoài. Thời Gia Long, các thương gia phương Tây được miễn thuế nhập cảng. Thời Thiệu trị, chính sách ngoại giao của nhà Nguyễn với phương Tây khá cẩn trọng nhưng thương mại với các nước này vẫn được khuyến khích. Triều đình đã tổ chức nhiều chuyến đi công cán đến các nước trong khu vực để thực hiện giao dịch buôn bán. Thời Minh Mạng, triều đình đã sai người đi công cán ở Hạ Châu (Singapore) và Giang Lưu Ba (Indonesia). Sau đó, mỗi năm đều có quan viên được phái đi tới các trung tâm mậu dịch của người Âu ở khắp Đông Nam Á để mua bán. Hàng bán ra chủ yếu là gạo, đường, lâm thổ sản quý; hàng mua về là len dạ, vũ khí, thuốc bắc, vải, đồ đồng, giấy… Năm 1847, hai chiến hạm người Pháp tới cảng Đà Nẵng đòi triều đình cho phép Công giáo hoạt động tự do và đã bắn chìm chiến thuyền Việt Nam trong cảng. Sau sự kiện đó, quan hệ buôn bán với phương Tây dường như bị khép lại. Đến thời Tự Đức, khi người Pháp đánh chiếm đất Gia Định, thì hoạt động thương mại với phương Tây ngày một khó khăn hơn; triều đình Nguyễn đặt cơ quan Bình Chuẩn Ty quản lý việc buôn bán và Thương Bạc Viện kiểm soát việc giao thiệp với người nước ngoài. Hoạt động thương mại của nhà Nguyễn với phương Tây trong giai đoạn nói trên đã đươc lưu dấu qua các văn bản trong Châu bản triều Nguyễn.

7. Châu bản – Vai trò của Giáo dục và khoa cử triều Nguyễn

 Hệ thống giáo dục dưới triều Nguyễn gồm có trường công và trường tư; được hoàn bị từ kinh đô đến khắp địa phương trên cả nước. Trường công gồm Quốc Tử Giám ở kinh đô và các trường ở phủ, huyện. Trường tư chủ yếu ở cấp xã được mở do các ông đồ, các bậc nho sĩ thi cử đỗ đạt nhưng không ra làm quan. Đặc biệt, có trường chuyên dạy ngoại ngữ đồng thời phụ trách việc thông ngôn của triều đình là Tứ Dịch Quán.

Mỗi năm, Bộ Lễ lệnh các quan đốc học mỗi tỉnh tổ chức kỳ khảo khóa học sinh trường công lẫn trường tư và dùng kết quả đó làm điều kiện đủ để thí sinh tham dự kỳ thi Hương. Ngoài các khoa thi định kỳ gồm thi Hương, thi Hội, thi Đình (cả văn lẫn võ), nhà nước còn tổ chức thêm các kỳ thi đặc biệt (Ân khoa, Chế khoa). Thí sinh nào đỗ thi Hương (cử nhân) thì năm sau sẽ lên kinh đô thi Hội, thí sinh đỗ thi Hội (trúng cách) sẽ được vào thi Đình. Thời Hoàng đế Gia Long, khoa thi Hương được định 6 năm tổ chức một lần nhưng sang thời Hoàng đế Minh Mạng định lại 3 năm một lần. Từ khoa thi Hương đầu tiên (1807) đến khoa thi Hương cuối cùng (1918), triều Nguyễn đã tổ chức được 47 kỳ thi Hương, lấy đỗ 5.396 cử nhân, 39 kỳ thi Hội lấy đỗ được 558 vị Tiến sĩ, Phó bảng.

Giáo dục và khoa cử thời Nguyễn là hệ thống đào tạo nhân tài chủ yếu phục vụ trong bộ máy hành chính nhà nước Nguyễn. Các Vua Nguyễn có thái độ trọng thị đối với người hiền tài nên đã ban hành nhiều chính sách để chiêu tập, đào tạo nhân tài. Các văn bản Châu bản triều Nguyễn còn lưu lại đã phần nào sáng tỏ các vần đề trong giáo dục và khoa cử thời Nguyễn.

8. Châu bản – Đa dạng về chữ viết 

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý nhà nước của triều Nguyễn (1802-1945), bao gồm văn bản do hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền ban hành lên hoàng đế được phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao. Trong giai đoạn đầu triều (nửa đầu thế kỷ XIX) dưới quyền trị vì của các Hoàng đế Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Châu bản được soạn thảo chủ yếu bằng chữ Hán và chữ Nôm; giai đoạn cuối triều Nguyễn (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) còn được viết bằng chữ Pháp và chữ Việt.

9. Bảo tồn và phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn

 Châu bản hiện nay được bảo quản trong tòa nhà lưu trữ chuyên dụng, với đầy đủ phương tiện, thiết bị bảo quản, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, bảo quản an toàn lâu dài cho tài liệu. Toàn bộ Châu bản đã được phân loại khoa học và xây dựng cơ sở dữ liệu, phục vụ cho việc triển khai đầy đủ các hình thức tổ chức sử dụng tài liệu. Trong những năm qua, Châu bản triều Nguyễn đã được phát huy giá trị thông qua các hình thức: công bố xuất bản sách, tổ chức trưng bày triển lãm, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng …

Các giá trị của Châu bản triều Nguyễn đã góp phần làm tăng thêm sức hấp dẫn, thú vị của Triển lãm “Di sản tư liệu thế giới ở Việt Nam” đối với khách tham quan.

Đoàn Thị Thu Thủy

 

Liên Hệ Phòng Đọc

905478 truy cập

169 trực tuyến

Liên kết Website