TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Các kỳ quan Đông Dương nhìn từ lăng kính của Toàn quyền Albert Sarraut

9:01 15/12/2015

Tạp chí Revue Indochinoise số ra tháng 4/1917 cho đăng bài diễn thuyết tại Université des Annales, Paris của Toàn quyền Albert Sarraut về các kỳ quan Đông Dương.

Trong đó, ông đặc biệt lưu ý đến những địa danh nổi tiếng ở Việt Nam như Sài Gòn, cố đô Huế và vịnh Hạ Long.  Xin lược dịch giới thiệu với độc giả.  

Sài Gòn

Ngay giữa một khu vườn bất tận được trang trí bằng những hàng cây sum sê, xanh mướt là một thành phố đẹp và đầy sức sống đang vươn lên với những ngôi nhà phủ sơn trắng, mặt tiền tươi sáng, những dinh thự nguy nga, những nhà thờ, bệnh viện, trường học, nhà hát, những bến tàu nhộn nhịp, những dòng kênh ghe thuyền tấp nập, những con phố xôn xao âm thanh của đời sống công nghiệp và thương mại, những chợ và cửa hàng, nơi người Âu trong những bộ trang phục màu trắng chen vai với người An Nam váy đụp, người Hoa áo lụa, người Ấn búi tóc và mặc xà rông, giữa đám đông đầy màu sắc đó thỉnh thoảng lướt qua một cuốc xe tay nhanh nhẹn.

Những đại lộ thênh thang rợp bóng cây, những con đường rộng rãi được bảo trì cẩn thận là nơi qua lại không ngớt của những chiếc xe hơi chở thương nhân hoặc du khách đến các khu vực ngoại vi Sài Gòn, tới Chợ Lớn, thành phố của người Hoa vô cùng độc đáo và sống động, vựa lúa khổng lồ nơi tập hợp và xay xát mặt hàng lương thực đến từ khắp các vùng miền thuộc Nam Kỳ màu mỡ. Và rất nhiều con đường khác vươn tới trái tim của các tỉnh, đặc biệt là những đồn điền cao su.

Trung Kỳ

Rời Sài Gòn, ta cùng đến một kỳ quan khác của Đông Dương, đó là lăng tẩm của các hoàng đế  An Nam.

Lăng tẩm nằm ở ngoại ô thành Huế, kinh đô của vương quốc An Nam, giữa lòng thành phố này, thiên tử, phụ mẫu của con dân sống cuộc sống huyền bí và ẩn dật của mình cùng quan lại phụ tá và phi tần, trong những cung điện xa hoa mái đao cong vút, nơi những gian phòng rộng rãi được trang trí bằng gỗ quý, ngọc ngà, gấm vóc và trên những bức tường sơn son vẽ những con rồng lớn, móng vuốt bằng vàng đang cuộn mình.

Chỉ có thể thấu hiểu đời sống tâm linh của người An Nam, sức mạnh của truyền thống được thiết lập dựa trên tục thờ cúng tổ tiên, tầm vóc của các tư tưởng triết học và sự huy hoàng đánh dấu các giai đoạn của nền văn minh của quốc gia này khi đã dành hàng giờ dạo chơi thơ thẩn trên miền đất sừng sững những lăng tẩm của các quốc vương quá cố Thiệu Trị, Tự Đức, Minh Mạng và Gia Long.

Từ khi còn tại vị, các hoàng đế An Nam đã lựa chọn một địa danh phong cảnh hữu tình, thiên nhiên kỳ diệu để làm nơi yên nghỉ. Đồng thời, với gu thẩm mỹ tinh tế, với tài năng nghệ thuật của một người làm chủ mọi thứ, họ bố cục nơi nương náu cuối cùng của cuộc đời mình như những vườn địa đàng tuyệt đẹp, nơi, giữa những khu vườn xanh rợp bóng cây, giữa những mặt hồ “long lanh đáy nước in trời” hay thấp thoáng những nụ sen đóa hồng đóa trắng, một quần thể nguy nga đình viện, đền đài, văn bia, tượng đá, vọng lâu, am tháp…bài trí một cách tài tình những đá cẩm thạch sáng bóng, những đồ gỗ quý sang trọng, những đồ sành sứ màu sắc tươi tắn và những đồ đồng với lớp áo đã hoen trong cái tĩnh lặng thâm u của những khu vườn hài hòa. Sự thanh bình vô tận, tuyệt đối và thiêng liêng bao trùm lên toàn bộ khung cảnh xa hoa nhưng im lìm này. Đây đều là những nơi ẩn cư uy nghiêm không bao giờ bị khuấy động. Dưới sự trông coi của một người dẫn đường lặng lẽ, khách viếng lăng cũng tự giảm thấp thanh âm, vì sợ mình lạc điệu với chất thơ đầy xúc cảm mà anh ta nghe được nhịp điệu của nó thấm sâu vào tâm hồn. Tuy nhiên, những lăng mộ này đều có người ở. Vì việc thờ cúng và các nghi thức tưởng nhớ hoàng đế quá cố cần đến sự có mặt, xung quanh những bài vị sơn son thếp vàng của họ, một đội ngũ hầu cận khi sinh thời cũng như các phi tần trọn đời trung thành với người mà họ coi là chủ nhân tôn kính. Tại điện thờ của mỗi hoàng đế, gần bàn thờ đặt bài vị, hoàng bào của họ vẫn còn đó cùng những đồ dùng mà họ có thói quen sử dụng; mỗi ngày, quần thần dâng lên bàn thờ bằng đá cẩm thạch đồ cúng gồm hoa quả, trầu cau và rượu; và giữa khung cảnh mờ tối huyền bí của đền thờ, nơi kỷ niệm về người quá cố là bất tử, dọc theo các hàng cột sơn son đỡ lấy mái đền, người ta thấy thấp thoáng bóng dáng các phi tần của tiên hoàng mặc váy lụa xanh, những người vợ mái tóc điểm bạc và những trinh nữ mà tuổi xuân qua đi trong quạnh quẽ, chính họ, bằng những cử chỉ thành kính, sẽ thắp hương trên bàn thờ và nghiêng mình trước vương trượng – bằng chứng cho quyền lực tối cao của nhà vua kể cả sau khi băng hà. Tuy nhiên, bản thân vua lại yên nghỉ tại một địa điểm không ai biết đến; do lo sợ giấc ngủ của mình bị những kẻ phàm tục quấy rầy, các vị vua thường che giấu nơi thực sự chôn cất thi hài của mình: những lăng tẩm và đền đài này được phân tán ở nhiều nơi vừa nhằm đánh lạc hướng những kẻ tìm kiếm, vừa để khẳng định chiến thắng của chủ nhân; do không thể tìm được và không thể bị xâm phạm, quan tài đặt thi thể của người quá cố cũng bí ẩn như những suy nghĩ cuối cùng mà ông ta mãi mãi chôn vùi.  

Bắc Kỳ

Bất chấp tất cả, xứ Bắc Kỳ vẫn gìn giữ được nét riêng sâu lắng của truyền thống An Nam, cái đẹp của những sắc màu bản địa và diện mạo đầy ý vị hình thành từ những phong tục tập quán của một dân tộc với đời sống tinh thần rất đáng được đề cao và gắn bó. Qua những cánh đồng xanh rờn bát ngát ở châu thổ sông Hồng hoặc các tỉnh lân cận, hãy ngắm nhìn điểm sáng đầy chất nghệ thuật, thơ ca và quyến rũ, một chi tiết trang trí mà nghệ thuật bản xứ đã biết cách nắm lấy cái tinh túy của nó: cây xanh và chùa chiền! Trên khắp Bắc Kỳ, đặc biệt là khu vực Hà Nội, ta sẽ tìm thấy ở khắp nơi một chi tiết trang trí mà không gian thoáng đãng bằng phẳng của những cánh đồng lúa càng làm cho nó trở nên nổi bật: một ngôi chùa mái cong, khắp nơi chạm trổ rồng phượng và ốp sành sứ với lớp men đã nhuốm màu thời gian, kết hợp hoàn hảo những đường cong duyên dáng nằm khuất sau tán lá với những cành đa xanh rì rậm rạp, trong sự bí ẩn của một khoảnh rừng thiêng nơi sự tĩnh lặng, dịu êm và thanh bình ngự trị. Những ốc đảo kỳ diệu này, một nơi để mơ mộng và thoát tục, được người An Nam dọn dẹp, chăm sóc, gìn giữ và trang hoàng không ngừng nghỉ bằng khả năng cảm nhận cái đẹp, gu thẩm mĩ và thiên phú nghệ thuật. Gu thẩm mĩ và sự dụng công như vậy cũng là điều quý vị sẽ nhận thấy khi băng qua khu phố Tây để đến khu phố bản xứ của Hà Nội với nhịp sống hối hả, với những con phố được đặt tên theo ngành nghề của các thợ thủ công sinh sống trong phố: Hàng Đào, Hàng Thêu, Hàng Khảm, Hàng Đồng, Hàng Quạt, Hàng Gai, Hàng Chén và hàng chục con phố khác vẫn giữ nguyên diện mạo, sắc màu, và đặc tính riêng giữa những xô bồ của đô thị công nghiệp và bận rộn này.

Tôi rất vui mừng được dẫn quý vị đi thăm thú khắp nơi, qua các thắng cảnh của Hà Nội xinh đẹp, dọc theo Hồ Tây mặt nước dập dềnh lá sen, đến Hồ Gươm có ngôi chùa nhỏ chạm trổ như một món đồ trang sức xinh xắn, xa hơn nữa, trong những rừng tre rợp bóng, hoa nở rực rỡ phía trên những trảng bụi tuyệt đẹp và trong những khối núi quanh co của tỉnh Lạng Sơn có động Kỳ Lừa lừng danh dẫn xuống những ngôi chùa dưới lòng đất, ngay giữa hẻm núi hoang sơ chất đầy đất đá.

Vịnh Hạ Long

Nếu sau những chuyến du ngoạn trên đây quý vị vẫn mong muốn được thăm thú thêm thì khung cảnh tuyệt đẹp của vịnh Hạ Long hẳn là đủ để thỏa mãn điều đó. Thật là một cảnh quan vừa dễ, vừa khó miêu tả đồng thời khiến người ta kinh ngạc. Trên một hình chữ nhật các cạnh 400km và 200km, hãy phát huy toàn bộ trí tưởng tượng của quý vị trong mớ hỗn độn kỳ thú của vùng biển nội địa với hằng hà sa số đảo lớn, đảo nhỏ, khối đá, mỏm núi với những hình thù bất ngờ nhất, đường nét xa lạ nhất nhưng cũng chân thực nhất. Đồng thời, quý vị sẽ chìm đắm trong một hồ nước khổng lồ đang không ngừng mở rộng mãi ra bằng một phương pháp phóng đại hư ảo, những dãy Carnac xứ Bretagne, những đôn-men thời đại đá lớn, những vọng lâu Trung cổ, những vách đá Normandie, những họng núi Pyrénées, thêm vào đó những hang động sâu thẳm và rất nhiều khối đá hình thù kỳ lạ treo mình trên các miệng vực hay các cửa động hình vòng cung tạo nên bởi thủy triều, hãy kết hợp chúng theo bất kỳ cách nào quý vị muốn và quý vị có thể, ném xuống mớ bòng bong tuyệt đẹp này một chút màu xanh, một chút dây leo, hoa cỏ, bóng tối, sự tĩnh lặng và cuối cùng, hãy trải rộng lên toàn bộ khung ảnh một tấm mạng huyền thoại của nỗi sợ hãi và sự huyền hoặc, quý vị sẽ ít nhiều hiểu được thế nào là vịnh Hạ Long.

Nếu như vào ban ngày, vịnh Hạ Long hiện lên tuyệt đẹp thì những hang động kỳ vĩ lại mang đến cho du khách những cảnh tượng thần tiên nhất vào ban đêm khi chị Hằng soi sáng toàn bộ tuyệt tác này, hẳn là một cảm giác xúc động khó có thể tượng tượng được. Dường như các đường nét sống động hẳn lên; các khối đá ngập trong nước nghiêng đầu vào nhau như đang chuyện trò thân mật. Hình dáng hư ảo của chúng khơi gợi chút lãng mạn huyền thoại, một hệ tác phẩm của thần tiên, của nhà làm phép và của kẻ thiên tài bị quỷ ám.

Bùi Thị Hệ

 (Theo archives.gov.vn)

Liên Hệ Phòng Đọc

892136 truy cập

296 trực tuyến

Liên kết Website