TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Ấn kiếm: Hai bảo vật triều Nguyễn từng được tìm thấy ở làng Nghĩa Đô Hà Nội

8:18 20/08/2018

 

Cựu Hoàng đế Bảo Đại tự nguyện thoái vị và trao lại ấn kiếm cho Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà[1]chiều ngày 30 tháng 8 năm 1945. Tuy nhiên sau đó, hai bảo vật này bị lưu lạc và cho đến nay chúng ở đâu vẫn là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Thông tin về việc “ấn kiếm” triều Nguyễn được tìm thấy tại làng Nghĩa Đô chỉ là nhưng câu chuyện kể. Thực tế, hai bảo vật này từng được tìm thấy như thế nào? Câu hỏi này được giải đáp khi chúng tôi tìm được các tài liệu là báo cáo, biên bản, công điện và công văn trao đổi về việc “bảo vật” của triều Nguyễn được phát hiện tại làng Nghĩa Đô, Hà Nội trong giai đoạn Hà Nội bị tạm chiếm trong quá trình nghiên cứu tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Thông tin chúng tôi tìm được trong tài liệu lưu trữ về việc tìm thấy ấn kiếm tại xã Nghĩa Đô, quận hành chính Quảng Bá – Yên Thái năm 1952 (7 năm sau khi, Cựu Hoàng đế Bảo Đại tự nguyện thoái vị và trao lại ấn kiếm cho Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà[2])như sau:

Báo cáo ngày 28/2/1952của Quận trưởng quận hành chính Quảng Bá – Yên Thái gửi Đại lý Hành chính Hoàn Long, trong hồ sơ số 16 phông Văn phòng Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam tại Đà Lạt có ghi:

Trân trọng trình ông rõ: hồi quá trưa ngày 28 tháng 2 năm 1952 hôm nay, được tin mật báo là bọn công nhân của tiểu đoàn nhảy dù 2è BBC đóng tại Liễu Giai đi tìm gạch vỡ tại một ngôi nhà tàn phá trong Nghĩa Đô, tìm kiếm đào chân móng đã thấy một ống kẽm và một hộp kẽm trong đựng một thanh kiếm và một của ấn vàng. Tôi thân đến liên lạc với vị chỉ huy là thiếu tá Toce Raymond thì vị võ quan này nói là cũng sắp báo tôi biết về việc đó.

Tôi xét hai bảo vật này thì là:

  • Một Thanh kiếm vỏ bằng vàng trạm [chạm] chuôi bằng ngọc thạch có khắc hai giòng [dòng] chữ “Khải Định niên chế” (Chế vào thời Khải Định) và “Trọng kim tứ lạng thập thất phân” (Nghĩa là: kiếm nặng 4 lượng 17 phân)
  • Một quả ấn bằng vàng nuột [vàng ròng], tay nạm là một con rồng, trong có khắc 4 chữ “Hoàng đế chi bảo” và phía trên có hai giòng [dòng] chữ nho [tiếng Hán] “Minh Mệnh tứ niên nhị nguyệt sơ tứ nhật cát thời chú tạo” (Nghĩa là: ấn được đúc vào ngày 4 tháng  2 năm Minh Mệnh thứ  4) và “Thập thành  hoàng kim trọng nhị bách bát thập lạng cửu tiền nhị phân” nghĩa là: trọng lượng 280 lạng[3], 9 tiền, 2 phân.

Nhận hai vật này là Hoàng triều Quốc bảo mà hiện đã vào tay vị chỉ huy tiểu đoàn Pháp, không tiện lấy về trình ông kính đệ Phủ Thủ Hiến, tôi đã lập biên bản giao cho Thiếu tá  Toce để nhờ chuyển lên chính phủ…”[4]

Thông tin trên trùng khớp với nội dung trong biên bản về việc phát hiện ấn kiếm tại làng Nghĩa Đô lập hồi 16h ngày 28 tháng 2 năm 1952[5] trong hồ sơ số 3262, phông Văn phòng Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam. Theo Biên bản:  Bảo kiếm bằng vàng, chuôi kiếm nạm ngọc có khắc chữ Hán 啟定年製và 重金四兩七十五分(nghĩa là:kiếm được làm vào thời Khải Định, vàng ròng nặng 4 lạng 75 phân). Quốc ấn hình vuông bằng vàng nguyên khối phía trên có tay cầm hình rồng và khắc chữ  皇帝之寶(Hoàng đế chi bảo),明命四年二月初四日吉時鑄造nghĩa là: đúc vào giờ tốt ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 [tức ngày 17/3/1823],và 拾成黃金重貳百捌拾兩玖錢貳分(nghĩa là:vàng mười nặng 280 lạng 9 tiền 2 phân).

biên bản

Theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, ấn “Hoàng đế chi bảo” dùng để đóng lên “các bản cáo dụ cho thân huân và các quan to trong to trong ngoài” (Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập VIII, quyển 225).

hình dấu Hoàng đế chi bảo

Hình dấu Hoàng đế chi bảo

Về nơi tìm thấy bảo vật, thông tin trong Báo cáo ngày 28/2/1952 có ghi: “…nơi tìm thấy quốc bảo là chân móng ngôi nhà bị tàn phá hết cả tường của Hà Văn Dô [Hà Văn Đô- Hà Đô]tậu tại làng Nghĩa Đô, mà Đô hiện nay còn ở Hậu phương, có lẽ là một nhân viên quan trọng của Việt Minh … bộ đội Việt Minh có đóng ở nhà đó ít lâu, rồi sau quân đội Pháp tấn công, họ rút lui. Có lẽ ấn và kiếm này là Bảo vật trong khi Đức quốc trưởng Bảo Đại thoái vị đã trao cho Việt Minh mà đến khi họ rút lui khỏi làng Nghĩa Đô đêm chôn dấu vào móng tường nhà này“.

Thêm nữa, trong Báo cáo mật ngày 19 tháng 4 năm 1952 của Văn phòng Phủ Thủ Hiến Bắc Việt về việc này có các thông tin sau:

Căn nhà nơi tìm thấy ấn kiếm tại làng Nghĩa Đô ban đầu là của Bá Sinh, một chủ sòng bạc nổi tiếng thời đó tại Hà Nội. Sau đó, Bá Sinh bán có hãng Phú Mỹ rồi sau bán cho Vũ Văn Hợi. Cuối cùng, căn nhà được bán cho Hà Đô, người làm nghề sửa ô tô ở phố Hàng Đậu. Hà Đô từ khi tậu căn nhà này có nhiều hoạt động bí ẩn và hàng xóm hoàn toàn không biết ông ấy làm gì. Ông đi một chiếc xe tải phủ bạt khi về nhà. Chính tại căn nhà của Hà Đô Bộ Tài chính của Chính phủ Hồ Chí Minh đã chuyển thiết bị in tiền sau khi quân đội Pháp đến Hà Nội năm 1946. Căn nhà bị chính quyền quân sự Pháp phá huỷ năm 1947. Chính quyền quận sự Pháp đã thu được một số lượng nhỏ vàng và một số máy in[6].

Báo cáo còn cho rằng: “Hà Đô là em rể của Đặng Xuân Khu [Cố TBT Trường Chinh] và Đặng Xuân Thiều [nhà thơ cách mạng]. Ông Khu hoặc ông Thiều đã mang những bảo vật này về dấu tại nhà của ông Hà Đô… Hà Đô hình như đã tự sát vì lí do gia đình ở vùng không bị kiểm soát [vùng tự do].

Sự kiện tổ chức trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại được chính quyền ấn định ngày [8/3/1952] và thông báo cho cựu hoàng Bảo Đại theo thông tin trong công điện ngày 7 tháng 3 năm 1952[7]. Lễ trao lại ấn kiếm được diễn ra tại Hà Nội, tuy nhiên Bảo Đại không có mặt trong lễ trao nhận ấn kiếm này [thời điểm này cựu hoàng Bảo Đại không có ở Hà Nội]. Theo Công điện số 1087/CAB/TX ngày 5 tháng 3 năm 1952, Cựu hoàng Bảo Đại giao nhiệm vụ cho Đặc uỷ viên Văn phòng Quốc trưởng tại Hà Nội Lê Thanh Cảnh tiếp nhận 2 bảo vật này.

Qua các thông tin trên, có thể thấy 2 bảo vật trên đã từng lưu lạc và được chôn giấu tại Nghĩa Đô và được người Pháp tìm được và tổ chức trao lại cho cựu hoàng Bảo Đại. Đây là hành động mang chủ ý chính trị, nhằm tạo cớ để lập chính phủ quốc gia do Bảo Đại đứng đầu.

Cũng liên quan đến việc này, các cá nhân có liên quan đã được Thủ hiến Bắc Việt thưởng tiền và làng Nghĩa Đô được đổi tên thành làng Hoàn Ấn. Theo Báo cáo của Thủ hiến Bắc Việt gửi Đổng lí Văn phòng Quốc trưởng ngày 19 tháng 4 năm 1952[8] về việc tìm thấy ấn kiếm tại làng Nghĩa Đô: “…Viên lính tên là Marius Caroul và 2 tù nhân Bùi Văn Mạch (số tù 29.956) Đồng Xuân Phái (số tù 29.924) đã phát hiện ấn kiếm khi phá móng nhà của Hà Đô. Thủ hiến Bắc Việt Đinh Xuân Quang đã trao cho Marius Caroul khoản tiền 10.000 đồng, sẽ tặng 3.000 đồng cho lính Pháp bị thương đóng tại Nghĩa Đô và Liễu Giai và thưởng cho người báo tin cho Quận trưởng quận Quảng Bá-Yên Thái 5.000 đồng. Hai tù nhân Mạch và Phái chưa nhận khoản tiền thưởng nào và theo đề nghị của Quận trưởng, Thủ hiến đồng ý thưởng ngay cho mỗi người 1.000 đồng…”

Bên cạnh đó, để kỉ niệm sự kiện tìm lại được bảo vật hoàng triều tại làng Nghĩa Đô, khoảng 700 người dân làng Nghĩa Đô đồng tình kí vào bản kiến nghị trình Quốc trưởng đề nghị đổi tên làng Nghĩa Đô thành làng Hoàn Ấn[9]. Tên làng Hoàn Ấn xuất hiện từ ngày 20 tháng 6 năm 1952[10] thay thế cho làng Nghĩa Đô.

Hiện nay, có nhiều thông tin khác nhau về 2 bảo vật này trong lịch sử. Tuy nhiên, qua những tài liệu lưu trữ trên chúng ta có thể thấy, ấn kiếm đã được chôn giấu tại làng Nghĩa Đô và do hoàn cảnh chiến tranh, khi quân đội Pháp tái chiếm Hà Nội 2 bảo vật này được tìm thấy vào trao lại cho cựu hoàng Bảo Đại. Cho đến nay, hai bảo vật này còn mất hay đang lưu lạc ở đâu vẫn là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

 

[1] DƯƠNG TRUNG QUỐC, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945), NXB Giáo dục, H. 2003

[2] DƯƠNG TRUNG QUỐC, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945), NXB Giáo dục, H. 2003

[3] 280 lạng tương đương 10,5 kg

[4] Báo cáo của Quận trưởng quận hành chính Quảng Bá – Yên Thái gửi Đại lý Hành chính Hoàn Long ngày 28/2/1952, CCEVN-16

[5] Biên bản ngày 28 tháng 2 năm 1952, CCEVN – 3262

[6] Báo cáo mật ngày 19 tháng 4 năm 1952 của Văn phòng Phủ Thủ Hiến Bắc Việt, CCEVN – 3262

[7] Công điện ngày 7/3/1952. CCEVN-16

[8] CCEVN – 3262

[9] CCEVN-16

[10] Công văn số 8175/DQT/VVP/3 ngày 20 tháng 6 năm 1952 của Khâm mạng tại các vùng cao nguyên miền Bắc và miền Nam thuộc Hoàng triều Cương thổ gửi Thủ tướng Chính phủ, Tổng trưởng Nội vụ. CCEVN-16

Đỗ Hoàng Anh

Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

Liên Hệ Phòng Đọc

909621 truy cập

152 trực tuyến

Liên kết Website