TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

300A – Dấu ấn một thời (Kỳ II)

2:35 03/09/2018

 

300A NHỮNG THÁNG NGÀY GIAN KHÓ

Tài liệu của Cục Lưu trữ cũng như của các cơ quan Trung ương khác và Hà Nội trước khi chuyển lên K5 đều được rắc bột DDT một loại thuốc bảo vệ thực vật thời bấy giờ để phòng chống mối. Tài liệu để trong các bao tải, hòm gỗ tận dụng từ các bao, hòm chứa xà phòng, những hòm gỗ khác với nhiều kích cỡ khác nhau và cá biệt một số tài liệu quan trọng để trong các hòm tôn đen. Hằng ngày công việc của chúng tôi là mang tài liệu ra khỏi kho hong phơi ở chỗ râm mát để chống ẩm mốc, vệ sinh tài liệu, quét chải mốc, tháo ghim khâu chỉ các tập tài liệu… Công việc buồn tẻ, bụi bặm diễn ra trong một thời gian khá dài và phải tiếp xúc với tài liệu có nhiều bột DDT nên rất có hại cho sức khỏe.

Phơi tài liệu 300A

Viên chức Kho Lưu trữ TW hong phơi tài liệu nơi sơ tán

Đào hầm tại 300A

Viên chức Kho Lưu trữ TW đào hầm trú ẩn nơi sơ tán

Tuy nhiên buổi tối cơ quan cho chạy máy nổ phát điện đến 21 giờ 00, nên các sinh hoạt diễn ra khá thuận tiện. Đèn điện được che chắn không để lọt ánh sáng ra ngoài đề phòng máy bay Mỹ bắn phá ban đêm. Thỉnh thoảng buổi tối có xe chở tài liệu từ Hà Nội lên hoặc chuyển tài liệu đang bảo quản rải rác ở các K bên xã Phúc Ứng bên kia đèo Khuôn Do được tập trung về K5, chúng tôi cùng nhau bốc vác tài liệu từ xe vào các tầng kho ở K5. Mọi việc đều làm bằng sức người, công việc nặng nhọc vất vả, nhiều hôm tài liệu rất nặng đè trĩu trên vai. Chúng tôi có sáng kiến cưa gốc cây vầu dài độ 50cm, bổ đôi, róc bỏ các mắt đốt, khi vác hòm tài liệu thì cho một cạnh của hòm vào đoạn vầu này để mang vác đỡ bị các cạnh hòm cứa vào da thịt và làm lâu dài không bị đau. Khi xong việc thường đã là 23 giờ 00, có khi 24 giờ 00, mỗi người được bồi dưỡng một bát cháo loãng, nhưng mọi người đều rất vui vẻ không ai kêu ca phàn nàn.

Cuối năm 1967 đầu năm 1968 phân Kho AIII bắt đầu đem tài liệu lưu trữ của Phông Ủy ban Kháng chiến Hành chính (UBKCHC) liên khu III ra chỉnh lý dưới sự hướng dẫn của chị Trần Thị Hữu Hiếu. Công việc mới mẻ, mọi người đều khá bỡ ngỡ, nhưng vừa làm vừa học vừa rút kinh nghiệm nên dần có tiến bộ. Trong phòng tài liệu UBKCHC Liên khu III có vài chục con dấu gỗ của Ủy ban và một số đơn vị trực thuộc. Anh Tiến Lợi phát hiện con dấu có khắc chữ “Trạm 300” là mật danh của đơn vị liên lạc đưa đón Cán bộ đi công tác từ vùng tạm chiến, tức vùng bị Thực dân Pháp chiếm giữ, ra vùng tự do tức vùng kiểm soát của Cách mạng và ngược lại. Thấy vậy, chúng tôi đề xuất với Thủ tướng Hoan đặt mật danh cho nơi sơ tán của Cục ở xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương là “300A” thay cho mật danh cũ là “Công trường địa chất 105” và Thủ tưởng Hoan đã chấp nhận. Kể từ đó tên “300A” được lưu hành và phổ biến trong Cục. Tháng 7-1968, khi Lãnh đạo Cục, Phòng chế độ nghiệp vụ và Phòng Hành chính quản trị của Cục được chuyển về xã Thái Hòa huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phú, cách 300A khoảng 300km, cơ sở mới này được đặt tên là “300B” để vừa giữ bí mật vừa thuận tiện trong công việc.

Công tác tư tưởng cho cán bộ đảng viên và quần chúng ở 300A rất quan trọng, vì ở nơi rừng núi khó khăn này nếu không làm tốt công tác tư tưởng sẽ dễ xuất hiện những tư tưởng tiêu cực. Vì vậy chi bộ Đảng ở 300A rất chú ý quan tâm thường xuyên làm tốt công tác tư tưởng cho đảng viên và quần chúng. Số lượng đảng viên ở 300A nhiều hơn số lượng quần chúng. Số đảng viên của Cục Lưu trữ lúc này là khoảng gần 20 người, số đảng viên là những cán bộ biệt phái từ các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Thành ủy và Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội có gần 40 đảng viên. Đa số các đồng chí này lớn tuổi, có quá trình tham gia cách mạng lâu năm. Đảng viên của Cục sinh hoạt trong ba chi bộ là Chi bộ Nghiệp vụ có lãnh đạo Cục tham gia, chi bộ Hành chính quản trị và chi bộ Kho lưu trữ trung ương. Chi bộ Kho lưu trữ trung ương lúc đó có 6 đồng chí gồm bác Khuông, bác Phương, bác Ái, anh Tiến Lợi, chị Hiếu và tôi. Sau này chi bộ gồm các đảng viên biệt phái hợp nhất với chi bộ Kho Lưu trữ trung ương lấy tên là chi bộ Kho Lưu trữ trung ương. Ít năm sau, Đảng ủy văn phòng Phủ Thủ tướng cho phép lập Liên chi cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng rồi Đảng ủy Cục trực thuộc Đảng ủy Phủ Thủ tướng. Nhờ làm tốt công tác tưởng chính trị nên đảng viên và quần chúng ở 300A an tâm công tác, giữ vững quan điểm lập trường của Đảng, giữ gìn và rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao cho, bảo vệ an toàn tài liệu lưu trữ quốc gia ở 300A.

Để cải thiện đời sống cán bộ nhân viên tại nơi sơ tán, thủ trưởng cơ quan đồng ý cho anh em được sử dụng một thời gian làm chuyên môn nhất định và ngày nghỉ để tăng gia sản xuất trồng ngô, khoai, sắn, lạc, rau ăn góp phần làm cho bữa ăn của tập thể và gia đình cải thiện phần nào. Việc tổ chức tăng gia sản xuất được giao cho Công đoàn phụ trách.

Công tác dân vận ở 300A, một địa phương miền núi có nhiều dân tộc anh em chung sống như Kinh, Dao, Tày, Cao Lan,… cũng được thủ trưởng cơ quan và chi ủy rất quan tâm làm tốt như cho phép Chi đoàn thanh niên của Cục được kết nghĩa với Chi đoàn xã Tuân Lộ, mở lớp dạy văn hóa cho  thanh niên địa phương hay tham gia phần nào các cuộc buổi biểu diễn văn nghệ do Đại đội TNXP Tuyên Quang đóng ở thôn Cây Thị, xã Tuân Lộ chủ trì và là chủ lực của những đêm biểu diễn. Những đêm văn nghệ dưới ánh đèn măng xông đã thu hút dược nhiều người dân địa phương đến xem và cổ vũ. Chi đoàn cũng tổ chức hưởng ứng phong trào thanh niên 3 sẵn sàng do Trung ương đoàn phát động, nhiều Đoàn viên đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào miền nam chiến đấu. Chi đoàn luôn làm tốt công tác tư tưởng cho đoàn viên, động viên khuyến khích đoàn viên phấn đấu gia nhập Đảng Lao động Việt Nam, tổ chức dạy văn hoá cho một số đoàn viên thanh niên người dân tộc, tổ chức dạy ngoại ngữ cho đoàn viên có trình độ Đại học hay Trung học. Lớp tiếng Pháp do anh Hoàng Gioong phụ trách sau có thêm anh Phượng, lớp tiếng Đức do tôi phụ trách. Chi đoàn luôn động viên các đoàn viên chịu khó học tập tìm đọc sách khoa học nghiệp vụ nhất là sách viết về lưu trữ để trau dồi thực tiễn nâng cao trình độ chuyên môn. Chi đoàn đã tổ chức được một Hội nghị Khoa học, nói là hội nghị Khoa học cho oai, thực chất chỉ là buổi trao đổi thực tế từ công việc của mỗi người, ngoài ra giới thiệu các bài báo viết về nghiệp vụ lưu trữ của Liên Xô và một số nước XHCN.

Hoạt động văn hóa văn nghệ của đoàn viên thanh niên cũng là việc không thể thiếu, vì vậy chi đoàn đã làm sân bóng chuyền và được chuyên môn cho phép huy động đoàn viên vào rừng lấy gỗ, tre nứa về làm một nhà câu lạc bộ rộng khoảng 100m2 làm nơi họp hành của cơ quan và sinh hoạt của Chi đoàn. Đêm khánh thành câu lạc bộ đã thu hút không chỉ các đoàn viên thanh niên mà cả các bác, các anh chị lớn tuổi chuẩn bị các tiết mục văn nghệ để tham gia, các chị ở chi hội phụ nữ thì làm kẹo bột và nấu chè đỗ đen. Một hoạt động khác cũng rất tiêu biểu của Chi đoàn 300A phần lớn là đoàn viên thanh niên tham gia Trung đội tự vệ cơ quan trực thuộc Đại đội Tự vệ Phủ thủ tướng. Các chiến sĩ tự vệ được tập huấn về quân sự, học sử dụng vũ khí như súng trường, lựu đạn, B40, tham gia canh gác bảo vệ cơ quan, đào giao thông hào, khi có máy bay Mỹ thì ra trận địa đã bố trí ở những vị trí quan trọng. Trong năm 1967, có lần máy bay Mỹ đi đánh phá miền Bắc bị lưới phòng không nhân dân của ta bắn rơi. Xác máy bay rơi gần đường cái giữa thôn Cây Thị và thôn Bầu của xã Tuân Lộ, còn giặc lái nhảy dù rơi xuống đồi gần đó. Mặc dù các loại máy bay của Mỹ quần thảo rất thấp trên khu vực giặc lái nhảy dù, nhưng các chiến sĩ công an vũ trang có chó nghiệp vụ đi theo cùng các chiến sĩ tự vệ của đơn vị 300A và dân quân du kích xã Tuân Lộ không sợ hy sinh vẫn băng qua cánh đồng và đồi núi, hiệp đồng chiến đấu tóm gọn giặc lái máy bay Mỹ, đồng thời bảo vệ cho giặc lái khỏi bị nhân dân đang trào dâng lòng căm thù hành hung và có thể giết hại.

Khoảng năm 1970, phần lớn cán bộ biệt phái đi bảo vệ khối tài liệu lưu trữ của các Bộ, cơ quan Trung ương và Hà Nội tại 300A rút về Hà Nội, còn tài liệu lưu trữ của nhiều cơ quan vẫn để lại nhờ Cục trông nom giúp, mấy năm sau, toàn bộ khối tài liệu này được bàn giao vào Lưu trữ nhà nước, cụ thể là Kho Lưu trữ Trung ương. Một số cán bộ biệt phái của một số Bộ, cơ quan Trung ương đã chuyển biên chế sang Kho lưu trữ TW. Cuối tháng 12-1972, Mỹ dùng B52 đánh phá, Hà Nội, Hải Phòng, Cục đã cử một bộ phận cán bộ của Cục và Kho Lưu trữ TW ở 300B chuyển lên 300A. Sau ngày 30-4-1975, đa số cán bộ nhân viên ở 300A được phép trở về Hà Nội, nhưng tài liệu tạm thời vẫn để trên đó với một số cán bộ nhân viên trông coi. Đến giữa năm 1985, khối tài liệu lưu trữ cùng các thiết bị được chuyển hết về Hà Nội. Lãnh đạo Cục giao trách nhiệm cho tôi khi đó là Chánh Văn phòng Cục Lưu trữ Nhà nước trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng thay mặt Cục bàn giao K5 (nhà Kho Lưu trữ trong hang Dơi ở xã Tuân Lộ) cho Ủy ban hành chính Huyện Sơn Dương. Mọi hoạt động của Cục chấm dứt ở 300A từ đây. 

300A NGÀY TRỞ VỀ

Thấm thoát thời gian trôi đi thật nhanh, từ khi tôi bắt đầu sống và làm việc tại 300A cho đến sau này đã nghỉ hưu, mỗi lần lên đây tôi đều thấy bồi hồi xúc động, những ký ức xưa lại dội về, đồng chí bạn bè cùng công tác mỗi người một nơi, nhiều bác và anh chị đã đi xa mãi mãi.

Ngày 11-5-2018, Chi bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức cho chi bộ sinh hoạt về nguồn, về 300A ở xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Đồng chí Giám đốc Trung tâm I có mời tôi và một số cựu Bí thư chi bộ của Trung tâm về nguồn cùng với các đảng viên của Chi bộ như là một nhân chứng sống của một thời quá khứ. Tôi đã nhận lời, trên đường di chuyển từ Hà Nội lên Tuyên Quang tôi bày tỏ nguyện vọng được đi xe cùng các anh chị em đảng viên của Trung tâm với mong muốn kể lại cho mọi người những kỷ niệm gắn liền trên những chặng đường đã xảy ra trong quá khứ, chứ không phải chờ khi đến 300A mới bắt đầu kể.

Di tích ở 300A nơi sơ tán trước đây của Cục và Kho Lưu trữ TW, tiền thân của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ngày nay, cụ thể nhà Kho lưu trữ trong hang Dơi K5 đã bị phá hủy hoàn toàn. Ai cũng tiếc và nghĩ nếu di tích này còn lại đến nay thì hay biết bao, ý nghĩa biết bao. Năm 1982, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục Lưu trữ – Phủ Thủ tướng, lãnh đạo Cục có giao cho tôi nhiệm vụ xây dựng một cuốn phim về sự phát triển, xây dựng của Cục, chủ yếu là thời gian trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc – Việt Nam, là thời gian sơ tán tài liệu tại 300A. Tôi đã nhờ người bạn ở Đài Truyền hình Việt Nam giúp xây dựng cuốn phim này. Có thể nói cuốn phim đã cố gắng miêu tả về hoạt động cơ bản của Cục ở 300A. Di tích ở 300A đã bị phá hủy và quang cảnh nơi sơ tán cũ đã thay đổi hoàn toàn so với trước. Nếu các thế hệ sau của Cục Khi xem cuốn phim này sẽ có thêm hiểu biết phần nào về quá khứ đã qua của Cục Lưu trữ – Phủ Thủ tướng nói chung và Kho Lưu trữ TW nói riêng, nhất là 300A.

Di tích mặc dù đã bị biến mất nhưng những ký ức về 300A luôn là truyền thống tốt đẹp rất đáng tự hào của Cục Lưu trữ Nhà nước và Kho Lưu trữ TW và của các thề hệ cán bộ của Cục và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Truyền thống tốt đẹp ấy luôn được các cán bộ của Cục và các đơn vị trực thuộc Cục trân trọng và phát huy để xây dựng ngành và đơn vị ngày càng lớn mạnh hơn, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.

 

NGÔ THIẾU HIỆU

 

Một số thông tin về ông Ngô Thiếu Hiệu 

  1. Công tác chuyên môn

– Cuối năm 1966: về Cục Lưu trữ – Phủ Thủ tướng, làm việc tại Kho Lưu trữ TW

– Từ 2/1973 – 8/1977: Công tác ở Phòng chế độ nghiệp vụ Cục Lưu trữ Nhà nước

– 9/1977: Công tác ở Phòng Hành chính Quản trị Cục Lưu trữ Nhà nước

– 1979 – 1984: Phó phòng, Trưởng phòng Hành chính Quản trị Cục Lưu trữ Nhà nước

– 1984 – 1987: Chánh Văn phòng Cục Lưu trữ Nhà nước trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng

– 1988: Trưởng phòng Nghiệp vụ của Cục Lưu trữ Nhà nước

– 3/1990 – 9/2003: Lưu trữ viên cao cấp – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

– Từ 10/2003: Nghỉ hưu.

  1. Công tác đoàn thể

– 1968: Bí thư Chi đoàn Cục Lưu trữ – Phủ Thủ tướng thuộc BCH Đoàn Phủ Thủ tướng

– 1973 – 1979: Chi ủy viên, Liên chi ủy viên, Bí thư Liên chi bộ đảng Cục Lưu trữ – Phủ Thủ tướng

– 12/1979 – 1985: Bí thư Đảng ủy Cục Lưu trữ nhà nước

– 1985 – 1988: Phó Bí thư Đảng ủy Cục Lưu trữ nhà nước

– 1988 – 1992: Đảng ủy viên Cục Lưu trữ nhà nước

– 1993 – 2003: Phó Bí thư Đảng ủy Cục Lưu trữ nhà nước

Liên Hệ Phòng Đọc

896703 truy cập

195 trực tuyến

Liên kết Website