TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đã có truyền thống hiếu học và trọng dụng nhân tài. Các triều đại phong kiến Việt Nam đều tuyển chọn nhân tài thông qua khoa cử. Dưới triều Nguyễn khoa cử rất được coi trọng. Các Hoàng đế triều Nguyễn đã chủ trương lấy việc tổ chức giáo dục, đào tạo nhân tài là nhiệm vụ quan trọng. Với 143 năm tồn tại, nhà Nguyễn đã tổ chức nhiều khoa thi khác nhau, trong đó khoa Tiến sĩ gồm có ba kỳ thi: thi Hương, thi Hội và thi Đình là khoa thi được chú trọng. Bên cạnh đó, từ triều Tự Đức, Chế khoa gồm khoa thi Nhã sĩ và Cát sĩ cũng được tổ chức với mục đích tuyển chọn những nhân tài đặc biệt.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam tại cửa biển Đà Nẵng. Ngay sau khi thâu tóm được Nam Kì và Bắc Kì, thực dân Pháp đã tiến hành tổ chức nền giáo dục Pháp mục đích phục vụ cai trị. Trong gần một thế kỉ đô hộ, chính quyền Pháp từng bước đưa nền giáo dục mới vào Việt Nam. Nền giáo dục Pháp trang bị cho học sinh những kiến thức vừa văn học lại vừa khoa học, khác hẳn giáo dục truyền thống hoàn toàn mang tính văn chương. Sự xuất hiện của nền giáo dục Pháp đã có những đóng góp tích cực nhất định như:
– Việc giảng dạy chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp giúp học sinh nhanh biết đọc, biết viết và dễ dàng tiếp thu kiến thức phục vụ cho cuộc sống. Chương trình học cung cấp kiến thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội với tính hệ thống cao;
– Bên cạnh giáo dục phổ thông, các trường dạy nghề được thành lập mang lại cơ hội học nghề để kiếm sống cho học sinh;
– Giáo dục bậc cao đẳng, đại học đã đào tạo được một thế hệ thầy giáo, bác sĩ, kĩ sư, nghệ sĩ có trình độ chuyên môn cao, đóng góp tích cực cho xã hội.
Trong khuôn khổ cuộc Triển lãm, Ban Tổ chức xin giới thiệu 120 phiên bản tài liệu, hình ảnh lưu trữ có giá trị được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn và các phông tài liệu tiếng Pháp đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I với mục đích cung cấp thêm thông tin về chủ trương và chính sách giáo dục ở Việt Nam trải qua các giai đoạn lịch sử từ năm 1802 đến 1945. Tài liệu được trưng bày thành 2 phần: “Châu bản triều Nguyễn với giáo dục và khoa cử” và “Nền giáo dục Pháp tại Việt Nam” trên 22 tấm pa nô kèm theo chú thích và thuyết minh. Ban Tổ chức hy vọng Triển lãm sẽ góp phần phản ánh một phần bức tranh về nền giáo dục Việt Nam thông qua những tài liệu lưu trữ tiêu biểu được lựa chọn.