TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn thống nhất đất nước, là điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế trong đó có ngành ngoại thương phục hồi và tái phát triển. Khác với các triều đại trước, nhà Nguyễn nắm độc quyền ngoại thương và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán với bên ngoài. Thời Gia Long, các thương gia phương Tây được miễn thuế nhập cảng. Thời Thiệu Trị, chính sách ngoại giao của nhà Nguyễn với phương Tây khá cẩn trọng nhưng thương mại với các nước này vẫn được khuyến khích. Triều đình đã tổ chức nhiều chuyến đi công cán đến các nước trong khu vực để thực hiện giao dịch buôn bán. Thời Minh Mạng đã sai người đi công cán đến các nước trong khu vực để thực hiện giao dịch buôn bán. Thời Minh Mạng đã sai người đi công cán ở Hạ Châu (Singapore) và Giang Lưu Ba (Indonesia). Sau đó, mỗi năm đều có quan viên được phái đi tới các trung tâm mậu dịch của người Âu ở khắp Đông Nam Á để mua bán. Hàng bán ra chủ yếu là gạo, đường, lâm thổ sản quý; hàng mua về là len dạ, vũ khí, thuốc Bắc, vải, đồ đồng, giấy… Năm 1847, 2 chiến hạm người Pháp tới cảng Đà Nẵng đòi triều đình cho phép Công giáo hoạt động tự do và đã bắn chìm chiến thuyền Việt Nam trong cảng. Sau sự kiện đó, quan hệ buôn bán với phương Tây dường như bị khép lại. Đến thời Tự Đức, khi người Pháp đánh chiếm đất Gia Định, thì hoạt động thương mại với phương Tây ngày một khó khăn hơn; triều đình Nguyễn đặt cơ quan Bình Chuẩn Ty quản lý việc buôn bán và Thương Bạc Viện kiểm soát việc giao thiệp với người nước ngoài. Hoạt động thương mại của nhà nước Nguyễn với phương Tây trong giai đoạn nói trên đã được lưu dấu qua các văn bản trong Châu bản triều Nguyễn.