TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA 1

  • Tiếng Việt
  • Français
  • English

Khối tài liệu lưu trữ Hán – Nôm

Khối tài liệu lưu trữ Hán Nôm hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I là các tài liệu đặc biệt quý hiếm bao gồm các phông, sưu tập: Châu bản triều Nguyễn, Địa bạ triều Nguyễn, Đinh bạ triều Nguyễn, Nha Kinh lược Bắc kỳ, Nha huyện Thọ Xương, Hồng Đức, Hương Khê, Vĩnh Linh… Các tài liệu này phần lớn là bản gốc được viết tay trên giấy dó, ngôn ngữ thể hiện chính là chữ Hán, ngoài ra có một số viết bằng chữ Nôm, chữ Pháp, chữ quốc ngữ. Tài liệu chủ yếu có niên đại thế kỷ 19 thuộc triều Nguyễn, đặc biệt một số sưu tập tài liệu có niên đại khá sớm thuộc các niên hiệu Hồng Đức, Vĩnh Tộ, Cảnh Hưng (triều Lê). Đây là các tài liệu gốc hình thành trong quá trình hoạt động quản lý của các cơ quan chính quyền phong kiến Việt Nam nên hầu hết là tài liệu độc bản, tính chân thực cao, nội dung phong phú, phản ánh mọi mặt các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội giai đoạn tài liệu ra đời. Về mặt hình thức, trải qua thời gian, bản thân tài liệu đã trở thành những cổ vật quý giá, từ chất liệu giấy, mực, hình dấu in trên văn bản, bút tích ngự phê của nhà vua, hình thức văn bản, ngôn ngữ, chữ viết… đều trở thành những tư liệu quý báu, cung cấp cho các nhà nghiên cứu rất nhiều thông tin trên nhiều lĩnh vực. Trong đó bao gồm:

  1. Châu bản triều Nguyễn

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính của triều Nguyễn, triều đại cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam từ 1802 đến 1945. Khối tài liệu này được hình thành trong hoạt động quản lý của bộ máy chính quyền triều Nguyễn bao gồm văn bản do các hoàng đế ban hành, văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên hoàng đế phê duyệt bằng mực son và một số văn kiện ngoại giao.

Châu bản chủ yếu được viết tay trên giấy dó, bằng chữ Hán Nôm, một số văn bản giai đoạn cuối triều Nguyễn viết bằng chữ Pháp và chữ quốc ngữ. Thành phần bao gồm nhiều loại hình văn bản như: chiếu, thượng dụ, sắc chỉ, tấu, khải, bẩm, tư trình, phúc trình, phiếu nghĩ…

Châu bản là khối văn thư hành chính của triều đình nhà Nguyễn, vì vậy nội dung Châu bản bao quát gần như toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế, xã hội, con người ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Đặc biệt, Châu bản triều Nguyễn có một số văn bản phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của triều Nguyễn trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài việc phản ánh các chính sách đối nội của triều Nguyễn, Châu bản còn phản ánh mối quan hệ bang giao của triều Nguyễn với nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Cam pu chia, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hoa Kì…

Châu bản là nguồn sử liệu gốc quan trọng để biên soạn các bộ chính sử của triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Quốc triều chính biên toát yếu, Minh Mệnh chính yếu…

Số lượng Châu bản còn lưu giữ đến nay gồm 773 tập, tương đương khoảng 85.000 văn bản của 11 triều vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại, 2 triều không có Châu bản là Dục Đức và Hiệp Hòa.

Toàn bộ Châu bản gốc hiện nay đã được số hóa, biên dịch nội dung thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu tra cứu. Độc giả trong nước và quốc tế có thể khai thác Châu bản thông qua hệ thống công cụ tra cứu gồm bộ Mục lục châu bản triều NguyễnHệ thống thông tin châu bản triều Nguyễn trên mạng nội bộ tại Phòng Đọc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Nội dung thông tin được cung cấp gồm: loại hình văn bản, cơ quan ban hành, thời gian của tài liệu, địa chỉ lưu trữ và trích yếu nội dung. Độc giả có thể trực tiếp đọc tài liệu gốc trên mạng máy tính và được in ra giấy hoặc ghi đĩa CD khi có yêu cầu.

2

Kho tài liệu lưu trữ Hán-Nôm

  1. Địa bạ triều Nguyễn

Địa bạ là loại sổ ghi chép, thống kê về ruộng đất của các làng, xã trên cơ sở sự đo đạc và xác nhận của chính quyền. Mục đích lập Địa bạ là để quản lý ruộng đất, thu tô thuế, vạch định ranh giới giữa các đơn vị hành chính và tránh sự tranh chấp ruộng đất. Dưới triều Nguyễn, khi mới lên ngôi vua, năm 1805, Gia Long đã xuống chiếu bắt đầu lập địa bạ các tỉnh từ Nghệ An, Thanh Hoá đến các trấn ở Bắc thành. Năm Gia Long 9 (1810) bắt đầu cho lập Địa bạ từ Quảng Bình trở vào Nam. Vua Gia Long cũng quy định mỗi địa bạ được làm thành 3 bản giáp, ất, bính; làm xong gửi nộp lên Bộ Hộ đóng dấu. Bản giáp để lưu chiểu ở Bộ Hộ, bản ất lưu chiểu ở thành trấn, bản bính cấp cho các xã giữ làm bằng. Địa bạ được lập một cách có hệ thống và theo mẫu thống nhất trong phạm vi cả nước. Mỗi địa bạ là một đơn vị hành chính độc lập, thường là xã, cũng có khi là thôn, giáp, phường hay trại…

Sưu tập địa bạ hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I là sưu tập trước đây được bảo quản tại Tàng thư lâu, Huế. Đây là các bản chính, chủ yếu là bản giáp tức là bản được lưu trữ tại triều đình do Bộ Hộ quản lý. Toàn bộ sưu tập này là địa bạ của triều Nguyễn có niên đại lập sớm nhất là năm Gia Long 4 (1805) và niên đại lập muộn nhất là Bảo Đại 20 (1945).

Số lượng địa bạ hiện nay là 17.042 đơn vị bảo quản, mỗi đơn vị bảo quản tương ứng với một đơn vị hành chính. Toàn bộ số này là địa bạ của 31 tỉnh dưới triều Nguyễn gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Kinh Bắc, Quảng Yên, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, An Giang, Vĩnh Long, Hà Tiên.

Toàn bộ khối Địa bạ triều Nguyễn đã được biên dịch nội dung cơ bản gồm: Tên đơn vị hành chính; vị trí địa lý; tổng diện tích các hạng điền thổ; diện tích từng loại; chủ sở hữu; ngày, tháng, năm lập và ngày, tháng, năm sao địa bạ; họ tên các chức dịch kê khai và lập địa bạ.

  1. Đinh bạ triều Nguyễn

Sưu tập Đinh bạ triều Nguyễn là một sưu tập tài liệu khá quan trọng, bởi cũng như Địa bạ là loại sổ để quản lý đất đai và thu thuế ruộng đất thì Đinh bạ là loại sổ để quản lý dân đinh, tuyển lính và một số loại thuế đánh trên đầu người. Đây là hai loại công cụ không thể thiếu phục vụ việc quản lý và cai trị của các chính quyền phong kiến Việt Nam.

Theo quy định của triều Nguyễn “phàm suất đinh từ 18 tuổi trở lên, 59 tuổi trở xuống, chiểu thực khai rõ đầy đủ họ, tên, năm sinh chép vào sổ. Các quan văn võ khai rõ chức tước, phẩm hàm; những người đỗ đạt từ Hương cống trở lên; những người là dòng dõi con cháu các công thần triều trước để chiểu theo hạng cho miễn sai dịch. Cách thức làm sổ, trước hết kê khai phủ, huyện, tổng, xã, họ tên xã trưởng, thôn trưởng; sau đó kê khai số người theo từng hạng như hạng dân nộp thuế thóc, hạng tráng, hạng đinh… Đinh bạ làm thành 3 bản giáp, ất, bính đệ trình lên”[1]. Việc thiết lập và quản lý Đinh bạ cũng gần giống như Địa bạ, tuy nhiên trong thực tế số lượng Đinh bạ hiện còn lưu giữ được đến nay không được đầy đủ và tập trung như Địa bạ, chủ yếu là các sưu tập nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các phông tài liệu khác nhau.

Sưu tập Đinh bạ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I gồm 3183 tập là các sổ kê khai dân đinh của các xã, thôn thuộc Bắc kỳ như huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông cũ, phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định… Trong đó có một số tập là Đinh điền bạ, tức là các sổ vừa thống kê dân đinh vừa thống kê ruộng đất. Đinh bạ có niên đại lập chủ yếu thuộc các triều Tự Đức, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại thuộc triều Nguyễn. Hiện nay sưu tập sổ đinh này đã được biên dịch các thông tin cơ bản gồm: Số đơn vị bảo quản, số tờ, tên đơn vị hành chính (thôn, xã, tổng, huyện, phủ, tỉnh), thời gian lập và sao, danh sách chức dịch lập sổ, số liệu đất đai (diện tích ruộng, đất, loại ruộng đất), số liệu nhân đinh (loại trong hộ tịch, loại ngoài hộ tịch, loại nộp thuế, loại tráng đinh, loại được miễn sai dịch, loại được miễn dao dịch, lão nhiêu…), thống kê nhân đinh (họ tên, tuổi, chức hoặc phẩm hàm).

  1. Nha Kinh lược Bắc kỳ

Nha Kinh lược Bắc kỳ là cơ quan hành pháp cao nhất của nhà nước phong kiến ở Bắc kỳ, có nhiệm vụ thay mặt nhà vua trực tiếp điều hành và giải quyết các công việc ở Bắc kỳ. Nha Kinh lược Bắc kỳ được thành lập theo bản Dụ ngày 3 tháng 6 năm Đồng Khánh thứ nhất (1886) và được Toàn quyền Pháp Paul Bert thông qua ngày 20 tháng 6 năm 1886 chính thức chuẩn định quyền hạn chức Kinh lược sứ Bắc kỳ, đồng thời cho phép xây dựng nha thự Kinh lược Bắc kỳ tại Trường Thi, Hà Nội. Nha Kinh lược Bắc kỳ hoạt động đến tháng 7 năm 1897 thì bị bãi bỏ do người Pháp nhận thấy cơ quan này không còn cần thiết và gây cản trở cho việc cai trị của Pháp ở Bắc kỳ.

Nha Kinh lược Bắc kỳ tồn tại được hơn chục năm (từ 1886 đến 1897), trong thời gian hoạt động đã sản sinh ra số lượng khá lớn tài liệu gọi là Phông tài liệu Nha Kinh lược Bắc kỳ. Phông tài liệu Nha Kinh lược Bắc kỳ có 3525 tập với khoảng gần 100 nghìn văn bản được sắp xếp theo trình tự thời gian và theo vấn đề, bao gồm nhiều loại văn bản khác nhau như: chỉ dụ, tấu, sớ, biểu, tư trình, bẩm trình, yết thị, báo cáo… dưới dạng bản thảo, bản chính, bản sao, trích lục để giao dịch giữa Nha Kinh lược với triều đình Huế, các Bộ, Nội các, Toàn quyền Đông Dương, Thống sứ Bắc kỳ, các Công sứ, Tổng đốc, Tuần phủ các tỉnh, đạo… Trong đó có một số tập là bản dịch Nôm từ tiếng Pháp các loại công văn, thư, thông cáo… của Toàn quyền hoặc Thống sứ Bắc kỳ gửi Kinh lược sứ.

Ngoài các công văn trao đổi thông thường, phông tài liệu này có một phần tương đối lớn các văn bản tài liệu liên quan đến tòa án. Phần này bao gồm các loại sổ ghi tóm tắt công văn đi đến, sổ ghi các bản án đã duyệt; các công văn, báo cáo xin phê chuẩn các bản án của các tỉnh Bắc kỳ gửi cho Nha Kinh lược và các công văn, báo cáo của Nha Kinh lược gửi cho các Bộ và Viện Cơ mật. Tài liệu của phông Nha Kinh lược Bắc kỳ có nội dung rất phong phú, phản ánh gần như toàn bộ đời sống xã hội ở Bắc kỳ giai đoạn cuối thế kỷ 19 trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước, an ninh trật tự, giao thông công chính, văn hóa xã hội…

Toàn bộ phông tài liệu này đã được biên dịch tóm tắt nội dung từng văn bản và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin gồm: số thứ tự văn bản, tập số, tờ số, xuất xứ văn bản, thời gian tài liệu, tóm tắt nội dung và ghi chú để phục vụ độc giả tra cứu.

  1. Nha huyện Thọ Xương

Huyện Thọ Xương là một trong hai huyện nội thành của Hà Nội cũ. Phông tài liệu Nha huyện Thọ Xương hình thành trong quá trình trao đổi hoạt động của Nha huyện Thọ Xương với các nơi như: Nha Kinh lược Bắc kỳ; Tổng đốc, Tuần phủ các tỉnh thuộc Bắc kỳ; các tổng, xã, khu phố trong hyện Thọ Xương và một số cơ quan của chính quyền thuộc Pháp ở Hà Nội. Tài liệu có thời gian từ năm Tự Đức 27 (1874) đến năm Thành Thái 10 (1898) trải qua 5 triều vua là Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái gồm 676 tập với khoảng 20.000 văn bản chủ yếu là các trát, sức, bẩm, tư, trình…

Về nội dung, phông tài liệu này đề cập đến hầu hết các vấn đề chính trị, an ninh xã hội, kinh tế, văn hóa của huyện Thọ Xương Hà Nội giai đoạn từ 1874 đến 1898 như: sức đăng tuyển lính, kê khai binh ngạch; bầu cử chánh phó tổng, lý trưởng các tổng xã trong huyện; điều tra dân số, ruộng đất; thu thuế đinh, điền, hộ kinh doanh; tổ chức hội chợ, mở chợ, mở đường; xây dựng công trình công cộng; tình hình trộm cướp, dịch bệnh, đơn từ kiện tụng của dân trong huyện…

Phông tài liệu Nha huyện Thọ Xương đã được biên dịch tóm tắt nội dung từng văn bản và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin để phục vụ tra cứu gồm: số thứ tự văn bản, tập số, tờ số, xuất xứ văn bản, thời gian tài liệu, tóm tắt nội dung và ghi chú.

  1. Các sưu tập tài liệu tài liệu khác

Sưu tập tài liệu Hương Khê là sưu tập tài liệu của dòng họ Trần tại thôn Tâm Phúc xã Hương Vĩnh huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Sưu tập này có 450 văn bản là các thư từ, tờ truyền, tờ trình, tờ bẩm, đơn, biên bản, văn tự… dưới dạng bản thảo, bản chính, bản sao để giao dịch giữa một số người làm quan của dòng họ Trần với quan lại địa phương, quan lại triều đình và một số đồn trấn của Ai Lao viết bằng chữ Hán, Nôm và Lào. Thời gian tài liệu bắt đầu từ năm Vĩnh Tộ 1 (1619) đến năm Tự Đức 11 (1858), trải qua các niên hiệu Vĩnh Tộ, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Khánh, Cảnh Hưng (triều Lê); Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh, Bảo Hưng (triều Tây Sơn); Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức (triều Nguyễn). Nội dung của sưu tập tài liệu này chủ yếu liên quan đến những sự kiện xảy ra ở địa phương như bầu cử, xét thưởng, trộm cướp, giặc phỉ, an ninh trật tự trong làng xã, một số hiện tượng tự nhiên như sao chổi, nhật thực, nguyệt thực, hạn hán, lụt lội… Ngoài ra có một số văn tự mua bán, phân chia ruộng đất, thu thuế, buôn bán trao đổi hàng hóa, lâm thổ sản trong vùng với các vùng lân cận và một số địa phương của Lào giáp với biên giới Việt Nam.

Sưu tập tài liệu Vĩnh Linh là sưu tập tài liệu thu thập được từ huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị. Sưu tập này có hơn 100 văn bản có niên đại kéo dài từ năm Cảnh Hưng 1 (1740) đến năm Bảo Đại 7 (1932). Nội dung của sưu tập này bao gồm các tờ truyền, tờ khai, tờ trình, trát, thư, đơn từ, báo cáo của quan trên gửi cho quan chức địa phương và của quan chức địa phương gửi lên tỉnh hoặc gửi cho các xã, thôn về việc phủ dụ dân chúng đi phiêu tán về quê làm ăn sinh sống, kê khai thuế lệ, thu nộp thuế, thư từ kiện tụng của dân về việc thu thuế của quan lại địa phương, văn tự mua bán đất đai, sản vật, hàng hóa, quy định về buôn bán thông thương và khai thác lâm thổ sản ở rừng đầu nguồn thuộc 2 nguồn Ô Giang và Cổ Lâm huyện Minh Linh tỉnh Quảng Trị.

Sưu tập tài liệu thời kỳ Hồng Đức, sở dĩ có tên gọi như vậy là do trong sưu tập này có một số tài liệu có niên đại từ thế kỷ 15 niên hiệu Hồng Đức triều Lê. Sưu tập tài liệu này gồm có 17 văn bản, chủ yếu là các sắc phong, bẩm trình, bằng cấp, trát sức về việc thăng bổ, thuyên chuyển, tiến cử, xét thưởng công trạng cho một số người làm quan của dòng họ Phạm và một số quan lại địa phương tại châu Quan Hoá tỉnh Thanh Hoá. Thời gian của tài liệu bắt đầu từ năm Hồng Đức 19 (1488) đến năm Bảo Đại 7 (1932) trải qua các niên hiệu Hồng Đức, Vĩnh Tộ (triều Lê); Cảnh Thịnh (triều Tây Sơn); Tự Đức, Thành Thái, Khải Định, Bảo Đại (triều Nguyễn).

Ngoài ra trong quá trình sưu tầm tài liệu, Trung tâm lưu trữ quốc gia I tiếp tục bổ sung các sưu tập tài liệu, tư liệu mới làm phong phú thêm các phông, sưu tập tài liệu tại đây.

[1] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 4, bản dịch, NXB Thuận Hoá, Huế, 1993, trang 126-135 (mục Sổ Đinh, quyển 39: Bộ Hộ).

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

Liên Hệ Phòng Đọc

892107 truy cập

294 trực tuyến

Liên kết Website